BGM-(Tiếp theo và hết)
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức, thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nâng cao trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, thực sự là hạt nhân chính trị, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; bồi dưỡng nhận thức chính trị đối với đảng viên trẻ, đảng viên trong các doanh nghiệp, đảng viên là đồng bào dân tộc, tôn giáo. Tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc việc học tập, nghiên cứu và phát triển khả năng vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh nào; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ và tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Phát huy hiệu quả ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử; tích hợp thêm phần tự nghiên cứu, học tập và làm bài kiểm tra nhận thức sau mỗi bài học của đảng viên. Sau các hội nghị quán triệt nghị quyết, các cấp ủy đảng khẩn trương chỉ đạo cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đình Quyền-UVBTV-Trưởng Ban tuyên giáo-GĐTTCT Huyện ủy Bù Gia Mập trao giấy chứng nhận lớp Bồi dưỡng nguồn quy hoạch cấp ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2025-2030
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tích cực đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết trong nhiệm kỳ tới của Đảng.
Ban hành quy định về trách nhiệm của đảng viên, tổ chức đảng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trong thực hiện chủ trương "phủ xanh" thông tin tích cực, “lấy cái đẹp dẹp các xấu” trên mạng xã hội. Xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần quán triệt phương châm “tích cực, chủ động, kịp thời, từ xa, từ sớm”; chủ động, kịp thời nắm bắt, dự báo, xử lý những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đời sống xã hội, kiên quyết không để lây lan các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, cần kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp theo kịch bản chặt chẽ, tổ chức chiến dịch truyền thông thống nhất, đa dạng, rộng rãi, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa; làm cho tư tưởng, lý luận của Đảng thấm sâu trong mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ; để chính họ là những chủ thể mạnh mẽ, vững chắc làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm chính trị. Tích cực, chủ động đấu tranh trên mạng xã hội, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Ba là, đổi mới công tác tuyên truyền, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước; tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho công tác tư tưởng, lý luận; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân.
Coi trọng việc thực hiện văn hóa Đảng trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, hệ thống chính trị. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng những vấn đề mới, mang tính đột phá, những vấn đề cơ bản, cốt lõi và xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết, chỉ thị một cách cụ thể, sát thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Xác định đúng nội dung tuyên truyền trong mỗi thời điểm cụ thể; đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyên truyền phù hợp với bối cảnh. Tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, gắn với kiểm tra, đánh giá kết quả tuyên truyền với tiêu chí, mức độ phù hợp. Nhân rộng điển hình; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin; và tạo diễn đàn để người dân tích cực tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân.
Bốn là, tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức trách nhiệm, nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò nêu gương trong thực tiễn của cán bộ.
Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu với phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; coi việc thực hành nêu gương cùng với mức độ hoàn thành trách nhiệm công vụ là thước đo để đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm. Giúp cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”; không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Khuyến khích, biểu dương kịp thời những cán bộ, đảng viên có cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; bảo vệ cán bộ, đảng viên có đổi mới sáng tạo trong hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tỉnh. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong thực tiễn; phải thực sự sâu sát với quần chúng, quý trọng nhân dân. Đặc biệt, cần coi trọng và phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy với tinh thần “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Các cấp ủy đảng cần chủ động chọn nội dung, đưa vào kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ, hằng năm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát việc chấp hành và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, xem trọng thực chất, chỉ rõ ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể. Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhận xét phẩm chất đạo đức, lối sống; phát hiện gương cán bộ, đảng viên tiêu biểu, điển hình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời; giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức...
Các cơ quan, đơn vị cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, bảo đảm thống nhất với các chuẩn mực được nêu trong Quy định số 144-QĐ/TW và Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; tổ chức niêm yết công khai nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tại cơ quan, đơn vị để cán bộ, đảng viên biết, nghiêm túc chấp hành. Xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức phải cụ thể, gắn với từng chức danh, từng cương vị công tác của mỗi người. Đây là nội dung rất quan trọng, là căn cứ để đánh giá đạo đức, là cơ sở để xây dựng, rèn luyện đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, đồng thời là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên; bình xét, đánh giá thi đua cuối năm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương.