HOC TAP BAC

Tự hào và trăn trở

Thứ ba - 03/09/2024 21:02 331 0
Bài 3: BỒI DƯỠNG THẾ HỆ CÁCH MẠNG CHO ĐỜI SAU
BGM - “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây là lời căn dặn của Bác trong Di chúc, đồng thời là sự tổng kết lý luận mà Người rút ra từ lịch sử nhân loại và Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn lựa, tổ chức bồi dưỡng và cho đi đào tạo nhiều người trẻ ưu tú mà sau này đều là những cán bộ nòng cốt của Đảng ta.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, ngay sau công tác Đảng, thế hệ trẻ là đối tượng quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Người đánh giá: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đồng thời, Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc tết đồng bào tỉnh Hà Bắc, xuân Ðinh Mùi (ngày 9-2-1967) - Ảnh tư liệu
Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại và Việt Nam, từ thực tiễn lãnh đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng. Chữ “rất” ở đây được nhắc lại 2 lần trong một câu ngắn gọn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đến công tác này, nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công tác bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn nửa thế kỷ qua, Đảng ta, trong đó có Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt đến công tác “bồi dưỡng cách mạng cho đời sau”. Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng này mà trong các cuộc đấu tranh giữ nước và trong thời kỳ kiến thiết đất nước, chúng ta luôn có đội ngũ cách mạng hùng hậu, “vừa hồng vừa chuyên”. Thanh niên Việt Nam luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, đi đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14-1-1993 về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, trong đó Đảng chỉ rõ: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên”. Điều đó thể hiện, Đảng nhận thức đúng nội dung, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên, tầm quan trọng của việc bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh vui đón xuân cùng các cháu nhi đồng,
tháng 12-1967 - Ảnh tư liệu
 Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định ý chí; đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới. Chỉ tính riêng tại Bình Phước, 5 năm qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền với giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên, thiếu nhi gần 3.600 buổi, thu hút gần 60.000 lượt đoàn viên thanh niên, thiếu nhi tham gia. 2.645 cơ sở đoàn viết “Nhật ký làm theo lời Bác”. Các cơ sở đoàn đã xây dựng 857 tủ sách “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” gồm tác phẩm, bài viết của Bác, tư liệu, sách báo về Bác... với tổng số sách và tài liệu lên đến 55.690 cuốn.
Tuy nhiên, do tác động, ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như xu thế toàn cầu hóa; đặc biệt, do một số thanh, thiếu niên thiếu nghiêm túc trong rèn luyện, phấn đấu; có nơi, có lúc còn một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ có những biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nên đã có những việc làm đi ngược lại, thậm chí chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Mặt khác, công tác giáo dục của tổ chức Đoàn thanh niên tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn nặng về hình thức; một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững...
Thanh niên Bình Phước phát biểu tại chương trình gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo tỉnh năm 2023 - Ảnh: Trung Quang
Để thiết thực thực hiện lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa về công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ trong giai đoạn cách mạng mới. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước có hội nhập và sánh vai với các cường quốc năm châu như lời mong ước của Bác Hồ hay không, phần lớn nhờ vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ. Vì vậy, thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, không ngừng nỗ lực, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng để thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đáp ứng yêu cầu cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bối cảnh mới cần đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong đó, chú trọng nguyên tắc đào tạo gắn với bồi dưỡng, tin tưởng giao nhiệm vụ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được tham gia trải nghiệm, kết hợp cán bộ giàu kinh nghiệm với cán bộ trẻ.
Để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong tham gia các phong trào hành động cách mạng, mỗi cơ quan, tổ chức cần có nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để khơi dậy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, động viên đi đầu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua các phong trào hành động cách mạng, sẽ tạo ra môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ tự rèn luyện, tìm được lẽ sống cao đẹp cho chính bản thân mình. Các cấp, ban, ngành và từng cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thế hệ trẻ; chú trọng học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quân sự, ngoại ngữ và thường xuyên bồi dưỡng thể chất, rèn luyện thân thể cho thế hệ trẻ để đủ sức khỏe, trí tuệ tham gia các phong trào hành động cách mạng.
 

Tác giả:  Ðại tá, nhà báo ÐỖ PHÚ THỌ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy TW

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây