HOC TAP BAC

 BÙ GIA MẬP MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI

Thứ tư - 06/11/2024 21:59 486 0
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BÙ GIA MẬP (2009-2024)
Ban biên tập xin giới thiệu về Lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Gia Mập (1954 - 2019) để ghi lại quá trình từ khi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên địa bàn Bù Gia Mập thực hiện đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ (1954), trải qua các giai đoạn phát triển, đến 10 năm thành lập huyện (2009 - 2019).
UBND huyện Bù Gia Mập khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào sự phát triển của huyện
Mở đầu (Tiếp theo…)
Trong ngôn ngữ của cư dân người S’tiêng có từ “Bù Gia” (làng cỏ tranh) và từ “Bù Máp” (làng gặp gỡ), vì thế có giả thiết Bù Gia Mập là từ ghép bởi hai từ đó - nghĩa là làng cỏ tranh mới. Cách giải thích ấy chưa thuyết phục, nhưng ai ai cũng thống nhất tên gọi Bù Gia Mập đã có từ xa xưa, nay biết bao quen thuộc khi nói K Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, rừng Quốc gia Bù Gia Mập, đồn Biên phòng Bù Gia Mập…
  1. Điều kiện tự nhiên
Huyện Bù Gia Mập khi thành lập (năm 2009) rộng 1.736,129 km2 , gồm 147.967 dân, có 18 đơn vị hành chính trực thuộc; từ năm 2015 sau khi chia tách để thành lập huyện Phú Riềng, đến nay huyện Bù Gia Mập còn lại 8 xã, tổng diện tích tự nhiên là 106.428,15 ha (đất nông nghiệp là 47.832 ha, đất lâm nghiệp là 49.382 ha, đất chuyên dùng là 7.223 ha, đất nhà ở là 410 ha, đất nuôi trồng thủy sản là 35 ha)(1). 1. Cục Thống kê Bình Phước, Niên giám Thống kê Bù Gia Mập 2018.
Huyện Bù Gia Mập phía Bắc là biên giới Việt Nam - Campuchia; phía Đông giáp với huyện Tuy Đức (Đăk Nông) và huyện Bù Đăng (Bình Phước); phía Tây giáp với các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp (Bình Phước); phía Nam giáp thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng (Bình Phước).
Nằm trên địa hình tiếp nối các tỉnh Nam Tây Nguyên, địa hình Bù Gia Mập thấp, độ cao dưới 1.000 m so với mặt nước biển; thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ bazan thích nghi với nhiều loại cây trồng (năm 2019, toàn huyện có 24.217 ha điều, 1.983 ha tiêu, 20.294 ha cao su, 1.619 ha cà phê, ca cao 91,3 ha…(1)).
Khí hậu ở Bù Gia Mập là nhiệt đới cận xích đạo gió mùa với hai mùa mưa - khô rõ rệt; nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,8 - 26,20 C; sự thay đổi nhiệt độ qua các tháng không lớn, song chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm thì khá lớn, nhất là vào mùa khô.
 Rừng và đất rừng khá lớn (51.147,46 ha, chiếm tỷ lệ 50,6% diện tích tự nhiên); rừng tự nhiên là 32.617,36 ha, rừng trồng là 6.091,37 ha; có ba đơn vị chủ rừng quản lý là: Công ty TNHHMTV Cao su Phước Long, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Trong đó, rừng Quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.601,18 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 90%, diện tích vùng đệm là 18.036 ha nằm trên địa bàn ba xã là xã Bù Gia Mập, xã Đăk Ơr (Bình Phước) 10.036 ha và xã Quảng Trực (Đăk Nông) 8.000 ha. Rừng Quốc gia Bù Gia Mập có hệ động, thực vật rừng với các nguồn gen quý hiếm, đa dạng phong phú, với 1.117 loài thực vật, trong đó có 22 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ thế giới IUCN; 17 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam; 6 loài nguy cấp theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ.
 Ðặc biệt, nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh với rừng dầu 1. Cục Thống kê Bình Phước, Niên giám Thống kê Bù Gia Mập 2018, tr. 10. - 10 - rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ với nhiều loài cây thuộc họ dầu và gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gõ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc; các khu rừng già đầu nguồn như K’rong p’reh trâu (Vườn cây Trai ở vườn thực vật), V’ong Zung (Đăk ngeng), L’eng Đăk H’ra pak, L’eng Âr... có nhiều cây giáng hương, gõ đỏ, cẩm lai, sao, dầu... hơn trăm năm tuổi; có 278 giống cây dược liệu.

 Về hệ động vật có 437 loài động vật hoang dã, trong đó có 105 loài thú, rong đó có 33 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ thế giới IUCN; 37 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly, gấu chó, báo gấm, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voọc,... về chim thì vườn có 460 loài chim, trong đó có 5 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ thế giới IUCN; 10 loài quý, hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam; 17 loài nguy cấp theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ, như: gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì (gầm ghì) phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám.
 Vườn có 86 loài bò sát lưỡng cư, trong đó 12 loài ghi trong Sách Đỏ. Các nhà khoa học cũng đã xác định được hơn 200 loài động vật của vườn có thể làm dược liệu như: khỉ, rắn, trăn, tắc kè, ong mật, bìm bịp,… Ngoài ra còn có sự đa dạng các loài nấm có ích và có rất nhiều loài côn trùng, nấm… chưa được nghiên cứu thống kê cụ thể.
Thác Đắc mai, vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Rừng Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam Bộ(1); hiện tại đây là nơi có chức năng bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã và nguồn dược liệu quý hiếm để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái; cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện như Thác Mơ, Cần Đơn.
Bù Gia Mập có ba chi lưu của Sông Bé chảy qua: Suối Đăk Huýt (80 km), suối Đăk Lung (50 km), suối Đăk Lấp (9 km) chảy theo hướng Bắc Nam, lưu vực rộng, tiếp nối vào hệ thống suối, thác phân bố rộng khắp như Đăk Huýt, Đăk Ka, Đăk K’me… Sông, suối, thác Bù Gia Mập chằng chịt nhưng không thuận lợi cho giao thông, cũng ít giá trị thủy sản, đó là nguồn nước quý cho đời sống cư dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người vốn lưu giữ văn hóa các con nước; đồng thời là không gian thiên nhiên tạo cảnh quan, ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch sinh thái.
Trục giao thông đường bộ quan trọng nhất ở Bù Gia Mập là tỉnh lộ ĐT.741 chạy từ tỉnh lỵ Đồng Xoài lên trung tâm huyện và các xã biên giới; ĐT.760 từ huyện lỵ đi các xã Phú Văn, Đức Hạnh qua xã Bom Bo - Bù Đăng.
Ngoài ra còn nhiều tuyến liên xã, liên thôn rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa trong và ngoài địa phương. Giao thông nông thôn Bù Gia Mập hiện có hơn 318 km đường huyện và xã đang được đầu tư nâng cấp; đồng thời đang quy hoạch làm mới hơn 55 km phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 Song song với các trục giao thông đường bộ là mạng lưới nguồn điện quốc gia với các trạm biến áp 110/15-22 KV. Bù Gia Mập giữ vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, là địa đầu của tỉnh Bình Phước.
Đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương miền Bắc vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước) năm 1974
Tuyến biên giới trên địa bàn Bù Gia Mập dài 65,487 km giáp với huyện Tuy Đức (tỉnh Đăk Nông) và huyện Ô Răng, tỉnh Munđunkiri (Campuchia); nơi đây có 2 cột mốc biên giới (số 61, 62), 4 đồn biên phòng (Đăk Ka, Đăk Bô, Đăk Ơr, Bù Gia Mập); vì thế các địa phương biên giới của hai bên Việt Nam - Campuchia có nhiều điều kiện phối hợp các lực lượng quân sự, công an, lực lượng bảo vệ rừng tăng cường hoạt động chặt chẽ, củng cố, xây dựng mối quan hệ láng giềng đoàn kết, hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển. Hiện tại, địa bàn biên giới giao thông đi lại còn khó khăn; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống thưa thớt, nhiều hộ đồng bào còn giữ thói quen sống du canh du cư.(…Còn nữa)
  1. Rừng Quốc gia Bù Gia Mập cùng với Rừng Quốc gia Yok Don là hai rừng (vườn) quốc gia của Việt Nam nằm trong Vùng sinh thái Rừng Khô trung tâm Đông Dương của hạ lưu sông Mekong và thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của Tiểu vùng Mekong. 

Tác giả: ĐQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây