HOC TAP BAC

Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Chủ nhật - 14/07/2024 22:16 1.178 0
Với 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, Bình Phước có tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao so với nhiều địa phương khác trong khu vực. Xuất phát từ thực tiễn đó, năm 2019, Tỉnh ủy triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2023. Với cách làm đổi mới, sáng tạo, mang tính đặc thù riêng, Bình Phước đã vượt lên những khó khăn, thách thức, tạo nên kỳ tích khi chỉ trong 5 năm đã giảm hơn 6.500 hộ nghèo DTTS. Đây là cơ sở, tiền đề để tỉnh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo tinh thần Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bài 1:
ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Xác định các hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng có nhiều trường hợp khác nhau. Có thể nghèo do không có vốn sản xuất, kinh doanh, không có đất canh tác; nghèo do già yếu, ốm đau, tai nạn không có sức lao động; nghèo do không biết cách làm ăn, thiếu kỹ năng hoặc do không chăm chỉ lao động… Từ đó, Bình Phước đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp theo tinh thần “4 rõ”, gồm: rõ đối tượng, rõ hoàn cảnh, rõ chính sách hỗ trợ, rõ kết quả, nhằm tạo động lực để người nghèo vươn lên. 
Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Là lao động chính nhưng do sức khỏe yếu, lại phải nuôi 3 người con ăn học nên ước mơ có căn nhà kiên cố che nắng, che mưa đối với anh Điểu Linh ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập khá xa vời. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh, gia đình anh đã được trao tặng căn nhà trị giá 80 triệu đồng.
“Không chỉ được tặng nhà, vợ chồng tôi còn được hỗ trợ học nghề cạo mủ cao su để thoát nghèo. Hiện nay, vợ chồng tôi đi cạo mủ cao su thuê thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng. Tôi thực sự rất vui, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ gia đình. Tôi sẽ cố gắng lao động để có thu nhập ổn định, lo cho các con ăn học” - anh Linh chia sẻ.
Nhà ở là một trong những nhu cầu cần được hỗ trợ mà nhiều người nghèo DTTS mong mỏi để an cư, lạc nghiệp. Thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2023, UBMTTQVN tỉnh vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ xây dựng 2.178 căn nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 149,6 tỷ đồng; sửa chữa 53 căn nhà, trị giá 1,59 tỷ đồng cho đồng bào DTTS nghèo hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Các ngôi nhà được trao tặng đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (tường cứng, mái cứng, nền cứng) và thực hiện theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các gia đình thụ hưởng đóng góp thêm”.
Là hộ nghèo ở thôn 3, xã Đắk Ơ, từ khi được hỗ trợ con giống, nông cụ sản xuất, gia đình chăm chỉ lao động, vì vậy cuộc sống hộ anh Điểu Múp đã thoát cảnh chạy ăn từng bữa. “Hiện cặp bò phát triển rất tốt. Tôi còn nhận nuôi rẽ để tăng đàn và tăng thu nhập cho gia đình” - anh Điểu Múp phấn khởi.
Năm 2013, chị Điểu Thị Nga Rít ở thôn 3, xã Đắk Ơ là hộ nghèo, nhờ được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ
đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định
Trước đây, gia đình chị Điểu Thị Nga Rít ở thôn 3, xã Đắk Ơ thuộc hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 2013, gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), cùng sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ huyện nên đời sống gia đình không ngừng được cải thiện và đã thoát nghèo, các con chị được đến trường học tập đầy đủ.
Bù Gia Mập là một trong những huyện biên giới khó khăn của tỉnh với hơn 73% số hộ là đồng bào DTTS. Cùng với hỗ trợ nhà ở, những năm qua, huyện đã đa dạng hình thức hỗ trợ nhằm cải thiện thu nhập cho hộ nghèo DTTS.
Từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, từ năm 2019-2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho 3.125 hộ nghèo DTTS tiếp cận vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 148 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp đồng bào phát triển sản xuất, kinh doanh, thay đổi nhận thức, tự tin vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tại một số địa phương như Bù Đăng, Bù Gia Mập, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất trong vùng đồng bào DTTS.

Giảm dần hỗ trợ 100%
Trước đây, mỗi hộ nghèo chỉ được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, vốn vay... theo hình thức thụ động từ trên xuống vì đó là chính sách chung cho tất cả người nghèo. Do các chính sách hỗ trợ không phân biệt hộ nghèo là người Kinh hay đồng bào DTTS. Nhưng Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của Bình Phước mang tính đặc thù. Điều đó được thể hiện ở giai đoạn đầu, chương trình hỗ trợ 14 nhu cầu với 11 chính sách, về sau đã tăng lên 25 nhu cầu tích hợp trong 8 nhóm chính sách. Cụ thể, hỗ trợ đất ở, nhà ở (xây, sửa nhà); nhà vệ sinh, nước sinh hoạt (đào giếng, khoan giếng, bồn đựng nước, bơm nước); điện (kéo điện, điện năng lượng mặt trời); vay vốn; đào tạo nghề; tạo việc làm tăng thu nhập như hỗ trợ chăn nuôi (trâu, bò, dê, heo, vịt, gà), nông cụ (máy phát cỏ, máy cưa, bình xịt thuốc), trồng trọt (trồng nấm, trồng điều), phương tiện đi lại (xe máy)… tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS lựa chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển kinh tế.
Trước đây, gia đình anh Điểu Sang ở thôn 4, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng là hộ nghèo. Từ chương trình hỗ trợ của tỉnh, anh đã lựa chọn chăn nuôi gia súc, gia cầm để phát triển kinh tế. Đặc biệt, mỗi khi các hội, đoàn thể tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật hay phổ biến mô hình chăn nuôi mới, anh đều đăng ký tham gia để học hỏi kinh nghiệm. Anh Điểu Sang cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, tôi đúc rút được rất nhiều bài học bổ ích. Tính đến nay, tôi đã thử nghiệm và trải qua nhiều mô hình kinh tế khác nhau, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đặc biệt là mô hình nuôi hươu lấy nhung do Hội Nông dân xã chuyển giao từ đầu năm 2021.
Bà Thị Geo ở thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng, cùng các chính sách ưu đãi khác đã giúp gia đình ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Còn tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, trước đây cuộc sống gia đình bà Thị Geo ở thôn Đắk Xuyên hết sức khó khăn, nguồn thu chủ yếu dựa vào cây điều, chăn nuôi khó phát triển vì không có vốn, kinh nghiệm lại hạn chế. Từ khi được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình bà đã đầu tư mua bò, heo. Nhờ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, hiện trong chuồng có 11 con heo và 15 con bò. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, các nguồn thu đảm bảo.  
Không thể phủ nhận kết quả ấn tượng sau 5 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Qua thực tế giám sát việc triển khai chương trình tại các địa phương cho thấy, hiện vẫn có một bộ phận nhỏ hộ nghèo DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có nhiều cố gắng để sử dụng hiệu quả các nội dung Nhà nước hỗ trợ. Điều đó thể hiện qua việc nhiều con giống được hỗ trợ bị chết hoặc không phát triển, nông cụ được cấp hư hỏng do không biết cách bảo quản, thậm chí có nơi xảy ra tình trạng đồng bào bán nông cụ được cấp để lấy tiền tiêu xài…
“Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh giảm dần hình thức hỗ trợ 100% cho hộ nghèo DTTS. Tăng cường sự tham gia đóng góp của hộ nghèo DTTS để hạn chế sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh” - ông Tuân cho biết thêm.
 

Tác giả: Báo Bp (Xuân Túc - Ngọc Bích)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây