HOC TAP BAC

Thế nước: Tầm nhìn năm 2030

Thứ hai - 26/08/2024 22:38 2.471 0
Từ 40 năm đổi mới, nhìn tới vận nước 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam
(Tiếp theo và hết)
Nhìn khái quát, thành tựu sau gần 40 năm đổi mới xác tín đường lối đổi mới độc lập, đúng đắn, sáng tạo và phù hợp; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương dung với xu thế phát triển của thời đại.
Đó là sự kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, thật sự mang tầm vóc lịch sử và là tiền đề, động lực đối với sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn, nhịp bước cùng thời đại trong tầm nhìn năm 2030.
Không có lực lượng chính trị nào có đủ lương tâm, trí tuệ và sức mạnh hơn Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh minh họa: nhandan.com.vn. 
Một là, giữ vững nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ chính mình trên cơ sở nhận thức đầy đủ, đúng đắn về đất nước và thời đại hiện nay.
Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là nét đặc thù bao trùm.
Mặt khác, người ta thường quan niệm, chỉ có xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hòa bình, nhưng Việt Nam thì trái lại, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh giải phóng. Đó là nét đặc thù lớn thứ hai.
Đồng thời, dù trong điều kiện cả nước thống nhất, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành trong bối cảnh hết sức đặc biệt: vừa bị bao vây, cấm vận vừa bị đe dọa bởi những cuộc chiến tranh trên các tuyến biên giới... vừa giải quyết hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh tàn phá mấy chục năm trước đó, vừa phải đương đầu với những hệ lụy nguy hiểm của sự sụp đổ một mảng lớn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu... mà “ngay cả những đảng tiên tiến, trong một thời gian tương đối dài, không thể thích ứng được với tình hình mới”. Đó là nét đặc thù thứ ba.
Tình thế đó cùng với những sai lầm chủ quan khiến đất nước đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở mức không thể xem thường. Dù tới thập niên 90 của thế kỷ XX, sự gay cấn và nóng bỏng, cấp bách đặt ra cho Đảng ta tại Đại hội VII (năm 1991): Phải đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Trước tình hình đó, Đảng không chủ quan, ảo tưởng, không hoang mang, dao động, nhìn ra thế giới và nghiêm túc soát xét nội lực, nắm bắt thời cơ, trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc đổi mới, hoạch định những quyết sách chính trị thực thi sự nghiệp đổi mới độc lập và sáng tạo. “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(4).
Dư luận quốc tế khẳng định: “Việt Nam đang thực hiện một quá trình đổi mới đầy sáng tạo nhằm đưa chủ nghĩa xã hội thích ứng với hoàn cảnh mới, với điều kiện lịch sử và quốc tế mới. Những thành tựu to lớn của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới vẫn giữ được những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội”(5).
Hai là, nắm lấy tính quy luật và quy luật và đổi mới độc lập, sáng tạo và phù hợp.
Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc của công cuộc đổi mới, mà thực chất là kiên trì sự lựa chọn con đường phát triển gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội của cách mạng nước ta, trên cơ sở tuân theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đổi mới là trở lại nhận thức một cách đúng đắn những nguyên lý của lý luận mác-xít và hiện thực hóa một cách linh hoạt phù hợp với bối cảnh cụ thể của đất nước. Đổi mới càng không phải là thay đổi mục tiêu, xa rời các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết các trọng sự mang tính hệ thống chặt chẽ, phù hợp và hiệu quả, không chủ quan, nóng vội, nhưng cũng không do dự, cầu toàn. Mục tiêu, hướng đi chỉ có một, nhưng hình thức, bước đi phải đa dạng, biện pháp phải phong phú, cụ thể.
Đổi mới chính là tiến trình kiên định và thúc đẩy sự phát triển độc lập của chủ nghĩa Mác - Lênin trên mảnh đất hiện thực Việt Nam một cách phù hợp và hiệu quả.
Theo đó, Đảng ta không ngừng phát hiện và giải quyết đồng bộ, thống nhất từ 8 tới 9 và 10 mối quan hệ lớn và xác tín đây là những tính quy luật và quy luật của sự nghiệp đổi mới - những vấn đề lý luận cốt lõi và sức sống của đường lối đổi mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhìn từ Đại hội lần thứ VI của Đảng - đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới - càng rõ ràng, đây là mốc son đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa; đánh dấu bước chuyển có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, sức mạnh và uy tín của Đảng ta, tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân và bầu bạn quốc tế.
Ba là, nhân dân là mục tiêu, là chủ thể, là trung tâm và động lực của công cuộc đổi mới.
Mục tiêu tối thượng của đổi mới là đất nước phú cường và nhân dân hạnh phúc. Nhân dân là trung tâm của đổi mới nên mọi sự phát triển xoay quanh nhân dân, chứ không phải ngược lại. Vì, nhân dân là chủ thể của đổi mới.
Đó là ý nghĩa nhân văn trọng đại của đổi mới, dưới ngọn cờ của Đảng.
Nguyên tắc độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, để chủ động đổi mới độc lập, sáng tạo.
Vấn đề tiên quyết là, tạo dựng một môi trường ổn định, nhất là về chính trị, xã hội để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế, nắm chắc khâu then chốt không ngừng đổi mới, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc. Tất yếu nắm lấy và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - song hành với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhằm phát triển đồng bộ các vấn đề xã hội trong mỗi bước đi. Và, văn hóa được đặt ở tầm mục tiêu chiến lược và động lực phát triển xã hội, giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu phát triển đất nước, trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, với rường cột là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân lên sức mạnh nội sinh dân tộc và bảo vệ, phát triển những thành quả của đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Hợp quy luật và hợp lòng dân, hợp với xu thế phát triển của thế giới là phương châm quán xuyến tất cả quyết sách chính trị và tổ chức thực tiễn đổi mới.
Đó là tố chất chủ nghĩa xã hội bản sắc Việt Nam.
Bốn là, giữ vững độc lập, tự chủ và tích cực chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả là động lực quan trọng góp phần đưa Việt Nam vững bước tiến lên.
Đất nước muốn phồn thịnh và phát triển bền vững thì không thể đóng cửa, khép kín. Việt Nam đổi mới không chỉ xuất phát từ thực tiễn mà còn là sự đáp lại yêu cầu và phù hợp với sự thúc bách của thời đại, nhưng không thể đánh mất mình hay hòa tan mình vào công cuộc hội nhập quốc tế và kiên định giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường.
Qua gần 40 năm đổi mới, từ hội nhập kinh tế quốc tế tiến tới hội nhập quốc tế, từ mong muốn làm bạn tới sẵng sàng làm bạn, từ chủ động tới tích cực, chủ động…, không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, phá bỏ thế bị bao vây, cô lập, cấm vận, tham gia chủ động và tích cực vào đời sống của cộng đồng nhân loại, nâng cao vị trí của đất nước trên trường quốc tế.
Nguyên tắc độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa bảo đảm đất nước phát triển đúng hướng và mạnh mẽ.
Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Năm là, giữ vững và phát triển vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Giữ vững và nâng cao sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cơ bản nhất, nổi bật nhất và tập trung nhất của sự kiên định các quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời chính là một tất yếu lịch sử, một đòi hỏi cấp bách có ý nghĩa; là vấn đề then chốt và là một nhân tố cơ bản quyết định những thắng lợi của công cuộc đổi mới và quyết định sự tồn vong của đất nước, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước, dân tộc và chế độ. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thành công của công cuộc đổi mới. Đó vừa là quy luật vừa là nhu cầu phát triển của đất nước.
Đặc biệt cảnh giới, lường trước, nhận diện và đẩy lùi những nguy cơ làm xói mòn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Bài học xương máu từ sự sụp đổ của các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô càng cho thấy giá trị bất biến của nguyên tắc bất di bất dịch đó.
Dư luận quốc tế xác tín: “Việt Nam và người dân Việt Nam đang đi đúng hướng và đang trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ dẫn dắt dân tộc này trên mọi phương diện”(6). “Với những kết quả rõ rệt về kinh tế - xã hội đó, địa vị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lòng nhân dân Việt Nam được nâng cao, vai trò lãnh đạo của Đảng là không thể phủ nhận”(7).
***
Dưới ngọn cờ của Đảng, gần 40 năm đổi mới không ngừng khẳng định vững chắc và hiện thực hóa sinh động mục tiêu bất di bất dịch: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội gắn liền với độc lập dân tộc. Đó là con đường phát triển xã hội chủ nghĩa có tính chất rút ngắn biện chứng - hiện thân sinh động và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh - sáng tạo theo học thuyết Mác - Lênin ở Việt Nam. Đó chính là con đường xuất phát từ thực tế Việt Nam, thực hiện bằng phương thức, bước đi Việt Nam, kiến tạo xã hội xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Việt Nam. Đó cũng chính là con đường Việt Nam trong con đường lớn toàn nhân loại tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội; một bộ phận, một biểu hiện cụ thể của xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay.
Những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử mang tầm vóc chiến lược, có ý nghĩa lịch sử qua gần 40 năm đổi mới, kể từ năm 1986, là nền móng rất căn bản và quan trọng của chiến lược đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm phát triển đất nước mạnh mẽ, bền vững và nhân văn: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, trong tầm nhìn năm 2030. 
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr.10. 
(5) Z.B. Ca-re-ra: Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của cả loài người, Báo Nhân Dân, số ra ngày 26-9-2000, tr.3.
(6) Đại hội XIII: Các chính đảng và truyền thông quốc tế quan tâm tới Đại hội XIII của Đảng, số ra thứ Sáu, ngày 8-1-2021.
(7) Dư luận quốc tế khẳng định Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp, tiếp tục tạo nên sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế tại Việt Nam, Báo Nhân Dân, số ra ngày 28-1-2016.

Tác giả:  TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây