Bàn về chiến tranh cách mạng, Lênin nhấn mạnh:“Trong chiến tranh, ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai có nhiều nguồn lực hơn, ai kiên trì sâu hơn vào quần chúng nhân dân hơn, thì người đó thu được thắng lợi”1. Hậu phương không chỉ là nơi huy động mọi tiềm lực của nhân dân và đất nước nhằm bảo đảm nguồn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến; hậu phương vững mạnh còn là nguồn động viên, cổ vũ về chính trị - tinh thần, làm chỗ dựa vững chắc để đưa chiến tranh cách mạng đến thắng lợi. Vận dụng quan điểm trên của các nhà kinh điển mác-xít, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã góp phần xây dựng hậu phương phía sau chi viện cho các lực lượng vũ trang góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
19 giờ ngày 06/01/1975, thị xã Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở ra một vùng hậu phương lớn tiếp tế cho chiến trường miền Nam, tạo bàn đạp đứng chân cho các lực lượng lớn của ta áp sát Sài Gòn. Hòa cùng khí thế chiến thắng, nhân dân Bù Gia Mập đẩy mạnh các phong trào sản xuất, cùng các đội dân quân tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn được, thuốc, quân y bảo đảm kịp thời đầy đủ cho bộ đội chủ lực và chuyển tải thương binh về tuyến sau.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Phước Long ngày 06/01/1975
Nguồn: Bảo tàng Bình Phước
Những chiến thắng liên tiếp của chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và duyên hải miền Trung trong tháng 3/1975 đã tạo cơ sở cho Bộ Chính trị mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cả nước ra trận, hậu phương dốc toàn lực ra tiền tuyến, Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ vừa giải phóng, cũng góp sức cùng Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ bước vào chuẩn bị quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Bộ đội Sư đoàn 316 tiến công tiêu diệt Buôn Ma Thuột trong trận mở màn
Chiến dịch Tây Nguyên (4 - 24/3/1975)
Nguồn: TTXVN
Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31/3/1975 xác định: “Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, cùng với lực lượng vận tải chiến lược, các quân đoàn khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết hợp với lực lượng tại chỗ các tỉnh và huyện để bảo đảm yêu cầu vận chuyển vật chất và cơ động bộ đội. Nhiều tuyến vận tải bảo đảm cho các hướng tiến công vào Sài Gòn được hình thành, trong đó tuyến vận tải từ Bù Gia Mập cùng với Lộc Ninh, Đồng Xoài đi Bến Cầu tới các cục thuộc Đoàn 210 bảo đảm cho hướng bắc; bộ đội hậu cần và nhân dân địa phương Bù Gia Mập được huy động toàn bộ khả năng phương tiện, lực lượng kết hợp vận tải bộ với vận tải thủy, vận tải du kích bí mật với cải trang để vận tải đường công khai hợp pháp cho chiến dịch xuân 1975.
Các nữ thanh niên xung phong đang lắp một đoàn đường
ống dẫn dầu Trường Sơn năm 1969. Ảnh tư liệu
Nguồn: Báo Bình Phước Online
Để tăng cường sức cơ động cho các lực lượng, việc xây dựng đường ống xăng dầu được chú trọng đặc biệt, đến tháng 3/1975, tuyến đường ống xăng dầu từ hậu phương miền Bắc vào đến Lộc Ninh. Trạm xăng dầu VK96 ở Bù Gia Mập cùng các trạm VK94 ở Lộc Tấn và VK98 ở Lộc Ninh được xây dựng những bồn chứa bằng thép, mỗi bồn có sức chứa 250.000 lít; góp phần tăng lượng dầu dự trữ cho chiến dịch đạt con số hơn 50 triệu lít2.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương
duyệt phương án tác chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975)
Nguồn: TTXVN
Công tác hậu cần cho chiến dịch đã sẵn sàng. Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu; ngày 29/4/1975, tổng công kích trên toàn mặt trận; trước khí thế của Quân giải phóng, chính quyền Sài Gòn đầu hàng không điều kiện. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Chiến sĩ Bùi Quang Thận (cầm cờ, phía trước) - Binh đoàn Hương Giang,
tiến vào cắm cờ trên nóc dinh Phủ Tổng thống Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút
ngày 30/4/1975
Nguồn: Vũ Tạo - TTXVN
***
Nằm trong vùng giải phóng đầu tiên ở miền Nam, trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, quân và dân Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước nói chung có nhiệm vụ rất quan trọng, một mặt giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được, đồng thời kêu gọi Nhân dân bảo đảm hậu phương cho tiền tuyến. Trong thời gian ngắn, nhiều công việc diễn ra cùng lúc, quân và dân huyện Bù Gia Mập đã làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò hậu cần tại chỗ kết hợp hậu cần địa phương đóng góp sức người, sức của, đồng thời là chỗ dựa tinh thần cho lực lượng vũ trang giải phóng, hoàn thành xuất sắc vai trò hậu phương trong chiến tranh cách mạng.
- V.I. Lênin, (1976), Toàn tập, t.34, Mátxcơva, Nxb. Tiến bộ, tr.271.
- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Gia Mập (2019), Lịch sử truyền thống các mạng của Đảng bộ, quân và dân huyện Bù Gia Mập (1954 - 2019), Hồ Chí Minh, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.50.