Vận dụng bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở huyện Bù Gia Mập
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới. Với một đất nước nông nghiệp lạc hậu, quân đội còn non trẻ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã làm nên một chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến thắng ấy không chỉ mang lại nền độc lập, chủ quyền cho đất nước mà còn để lại nhiều bài học quý báu, có giá trị xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Việt Nam. Đặc biệt, chiến thắng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay ở huyện Bù Gia Mập.
Một là, bài học về lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do
Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn khát khao một nền độc lập thật sự, nơi Nhân dân được làm chủ vận mệnh của chính mình. Tinh thần đó được hun đúc, kết tinh và bùng cháy trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn người dân, từ đồng bằng đến miền núi, không phân biệt già – trẻ, nam – nữ đã tình nguyện đi dân công, gùi thóc, tải đạn, vá đường, mở đường. Hàng ngàn thanh niên xung phong, công binh, bộ đội chấp nhận hy sinh gian khổ nơi chiến trường ác liệt.
Lòng yêu nước không chỉ là cảm xúc, mà đã biến thành hành động cụ thể, thành động lực vượt qua mọi gian khổ để đánh thắng quân thù. Đây chính là bài học đầu tiên và sâu sắc nhất – khi toàn dân cùng đồng lòng, một ý chí, thì không thế lực nào có thể khuất phục được.
Truyền thống Điện Biên Phủ dạy cho ta một chân lý: Không có hoàn cảnh nào là không thể vượt qua nếu có tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết và quyết tâm chính trị cao. Việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ là yêu cầu cơ học về bộ máy, mà là cơ hội để đổi mới phương thức điều hành, giảm tầng nấc trung gian, tăng tính phục vụ và hiệu quả quản lý nhà nước.
Hai là, bài học về sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiến thắng Điện Biên Phủ không thể tách rời vai trò lãnh đạo tài tình, khoa học của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tầm nhìn chiến lược trong việc chọn Điện Biên làm nơi quyết chiến chiến lược; là chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” thay vì “đánh nhanh, thắng nhanh” sau những phân tích, cân nhắc toàn diện tình hình địch – ta.
Tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ: “Quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ” đã được quán triệt sâu sắc trong toàn quân, toàn dân. Chính sự linh hoạt trong điều chỉnh chiến thuật, kiên trì mục tiêu chiến lược và gắn chặt chiến tranh với lòng dân đã làm nên một chiến thắng toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao.
Trong bối cảnh hiện nay, bài học ấy vẫn giữ nguyên giá trị. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng cần phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, sâu sát, chủ động, kịp thời trong xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động bất ngờ. Nhất là việc chuyển đổi mô hình chính quyền hiện nay là sự thay đổi tư duy quản lý, thói quen làm việc lâu nay. Do đó, công tác tuyên truyền – tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm. Cần giải thích rõ lợi ích của mô hình 2 cấp để cán bộ, đảng viên, người dân hiểu và đồng thuận. Phải chủ động truyền thông đa kênh, đối thoại trực tiếp, lắng nghe góp ý từ cơ sở. Đồng thời, quan tâm đến đội ngũ cán bộ bị ảnh hưởng, có chính sách bố trí lại phù hợp, biểu dương gương tiên phong đổi mới.
Ba là, bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu tượng rực rỡ của tinh thần đoàn kết. Không có sự gắn bó keo sơn giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa nhân dân với quân đội, giữa các dân tộc Kinh, Thái, Mường, H’Mông… thì không thể có được chiến thắng vĩ đại ấy.
Đại đoàn kết không chỉ là khẩu hiệu, mà trở thành sức mạnh thực tiễn, vận hành nhịp nhàng trong từng khâu – từ vận chuyển lương thực, đạn dược, chăm sóc thương binh, dựng lán trại đến góp sức chiến đấu. Ở hậu phương, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các chị phụ nữ, cụ già, em nhỏ đều góp phần tạo nên hậu phương vững chắc.
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế – xã hội, bài học về đoàn kết dân tộc tiếp tục là nền tảng để xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Cần tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tôn giáo, cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, tạo thế và lực cho đất nước vươn lên.
Bù Gia Mập là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, do đó cần giữ vững công tác dân vận khéo, xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc. Các mô hình tự quản, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phải được phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, khi mô hình hành chính thay đổi, thì “lòng dân” phải là yếu tố ổn định.
Bốn là, bài học về tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên
Đối đầu với một đội quân nhà nghề, được trang bị vũ khí hiện đại, có hậu thuẫn của Mỹ, quân và dân ta vẫn giành chiến thắng nhờ vào tinh thần tự lực, không trông chờ vào bên ngoài. Từ việc tổ chức hậu cần chiến dịch, vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ, bằng gùi, thúng, cho đến sáng tạo đường kéo pháo bằng tay qua rừng núi hiểm trở – tất cả đều thể hiện trí tuệ và ý chí phi thường.
Đó là bài học quý giá cho công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Việt Nam không thể phụ thuộc vào viện trợ, vào mô hình nước ngoài mà phải đi lên bằng nội lực, phát huy thế mạnh nội sinh, kết hợp linh hoạt với nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững.
Đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Bù Gia Mập cần phát huy tinh thần: bản lĩnh vượt khó, tinh thần cải cách, vì lợi ích chung, không ngại thay đổi cách làm cũ; cán bộ phải gần dân, hiểu dân, lo cho dân, tránh hành chính xa dân, tránh thoái thác trách nhiệm, mà nên nâng cao năng lực để xử lý công việc độc lập, chủ động, hiệu quả.
Năm là, bài học về nghệ thuật quân sự và sức mạnh tư duy sáng tạo
Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa tác chiến chính quy và du kích, giữa tấn công quân sự với đấu tranh ngoại giao. Chiến dịch không chỉ thắng bằng súng đạn mà còn bằng tư duy sáng tạo, dám thay đổi chiến thuật khi cần thiết.
Tiêu biểu là quyết định “kéo pháo ra” – một quyết định đầy khó khăn nhưng thể hiện sự linh hoạt, không cứng nhắc trong thực thi mệnh lệnh. Cũng chính nhờ điều này mà ta có thể củng cố lực lượng, xây dựng trận địa vững chắc, chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt tổng công kích sau đó.
Ngày nay, trong mọi lĩnh vực – từ kinh tế, công nghệ đến quản trị xã hội – chúng ta cần phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, không ngại thử nghiệm cái mới, dám nghĩ, dám làm để tìm ra hướng đi phù hợp.
Trong thời gian tới, cán bộ cấp xã sẽ giữ vai trò trung tâm trong bộ máy hành chính địa phương sau khi bỏ cấp huyện. Trọng tâm là cán bộ lãnh đạo phải có tư duy sáng tạo, phải nâng cao trình độ quản lý, pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống, công nghệ thông tin, và đặc biệt là năng lực tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Cần học tinh thần “chắc tay súng, vững tay cày” của Điện Biên Phủ – tức vừa làm việc chuyên môn, vừa gần dân, sát dân.
Sáu là, bài học về công tác hậu cần, dân vận và phối hợp hiệu quả
Chiến dịch Điện Biên không thể thắng nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hậu cần – từ lương thực, quân trang, thuốc men cho đến việc xây dựng đường sá, lán trại. Hàng chục ngàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã ngày đêm mở đường, bắc cầu, gùi hàng hóa bằng chính đôi tay, đôi vai.
Công tác dân vận cũng cực kỳ quan trọng – vận động đồng bào vùng cao tham gia kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, giữ bí mật quân sự… Chính sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các lực lượng, giữa trung ương và địa phương là điều bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng.
Bài học ấy ngày nay có thể vận dụng vào việc thay đổi mô hình chính quyền từ 3 cấp xuống còn 2 cấp. Đây là một bước đi đột phá nhưng cũng đầy thách thức, bởi nó sẽ làm thay đổi tư duy quản lý, thói quen làm việc của bộ máy hành chính và nhận thức của người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền – tư tưởng đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình chuyển đổi.
Trước hết, cần xác định rõ đây không chỉ là việc tổ chức lại bộ máy, mà là một sự cải cách toàn diện tư duy quản lý, nhằm hướng đến một chính quyền phục vụ, gần dân, hiệu quả hơn. Cán bộ, đảng viên – nhất là người đứng đầu các cấp – phải thực sự hiểu rõ chủ trương, nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ để có thể truyền đạt lại cho nhân dân bằng những cách dễ hiểu, dễ tiếp nhận, tránh tâm lý hoang mang, lo ngại hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc.
Bên cạnh tuyên truyền qua báo chí, truyền thanh – truyền hình, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội, hệ thống loa cơ sở, các cuộc họp dân, đối thoại trực tiếp tại khu dân cư. Nội dung tuyên truyền cần sinh động, cụ thể, nêu bật được lợi ích thiết thực như: giảm phiền hà hành chính, tinh gọn bộ máy, tăng cường trách nhiệm của cấp xã, giải quyết công việc nhanh hơn cho dân…
Công tác tư tưởng cũng cần chú trọng đến đội ngũ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng trực tiếp do sắp xếp lại vị trí công tác. Phải tổ chức tốt việc động viên, chia sẻ, hỗ trợ bố trí lại công việc phù hợp, tránh để xảy ra tâm lý chán nản, bị động. Đồng thời biểu dương, nhân rộng những cán bộ tích cực, tiên phong trong đổi mới tư duy và lối làm việc.
Việc tạo đồng thuận phải là quá trình hai chiều: không chỉ là việc “nói cho dân nghe”, mà còn phải lắng nghe ý kiến nhân dân, đặc biệt trong quá trình xây dựng các quy chế, quy trình hành chính mới ở cấp xã. Chỉ khi người dân thực sự thấy được mình là chủ thể, được tham gia vào quá trình chuyển đổi, họ mới tích cực hợp tác, đồng hành cùng chính quyền.
Bảy là, bài học về bản lĩnh chính trị và khát vọng vươn lên của dân tộc
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng về quân sự, mà còn là thắng lợi của ý chí độc lập dân tộc, bản lĩnh chính trị của một dân tộc bị áp bức đứng lên làm chủ vận mệnh. Dân tộc Việt Nam đã khẳng định: dù nhỏ bé về địa lý, kinh tế, nhưng với bản lĩnh vững vàng và tinh thần bất khuất, vẫn có thể đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
Trong hành trình xây dựng đất nước hôm nay, chúng ta cần khơi dậy khát vọng vươn lên, niềm tin vào sức mạnh dân tộc. Mỗi người dân Bù Gia Mập, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần hiểu sâu sắc giá trị của quá khứ để sống có lý tưởng, có trách nhiệm với tương lai đất nước, với “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
71 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng dư âm của chiến thắng ấy vẫn vang vọng trong lòng dân tộc Việt Nam. Những bài học được hun đúc từ Bùn – Máu và Hoa, từ công lao và trí tuệ của bao thế hệ cha anh vẫn còn nguyên tính thời sự, là hành trang quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau. Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là dịp để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát huy di sản tinh thần ấy vào công cuộc dựng xây đất nước phồn vinh, hùng cường./.