HOC TAP BAC

Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long

Thứ hai - 06/01/2025 03:23 270 0
BGM - Sáng nay 5-1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Thị ủy Phước Long tổ chức Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long”. Đây là chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 - 6-1-2025). Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền; Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang chủ trì hội thảo. Đông đảo các nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử cùng dự.
Các đại biểu là nhà khoa học, tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử dự hội thảo
Chiến thắng Phước Long - “Đòn trinh sát chiến lược”
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang khẳng định: Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa là “đòn trinh sát chiến lược”, cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ. Chính từ thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra thời cơ mới, cung cấp những luận cứ thực tiễn, là cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh giá sát, đúng tình hình, khẳng định quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang phát biểu đề dẫn tại hội thảo
Bí thư Thị ủy Phước Long Huỳnh Thị Thùy Trang mong muốn, thông qua hội thảo để lắng nghe ý kiến trao đổi của các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Phước Long năm xưa. Từ đó, tiếp tục làm rõ và khẳng định khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, lan tỏa những giá trị to lớn, tinh thần bất khuất, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch đường 14- Phước Long.
Giá trị lịch sử và hiện thực của đòn trinh sát chiến lược
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quang Đạo cho biết: thắng lợi của chiến dịch Đường 14 - Phước Long có giá trị và ý nghĩa trên nhiều mặt. Điều có thể khẳng định là chiến thắng này thật sự là một đòn trinh sát chiến lược, trực tiếp tác động tới quyết tâm của Đảng ta để tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lịch sử chiến tranh đã ghi nhận giá trị của đòn trinh sát chiến lược đó. Ngày nay, những vấn đề của lịch sử từ chiến thắng Phước Long vẫn cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.
Cũng theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, sau chiến thắng Phước Long, Bộ Chính trị khẳng định: Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong năm 1975 hoặc 1976. Có thể nói, chiến thắng Phước Long đã trực tiếp góp phần vào quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thực tiễn diễn biến của Đại thắng Mùa Xuân 1975 đã chứng minh điều đó.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo phát biểu tại hội thảo
Chiến thắng Phước Long là thành quả của quân và dân cả nước, trực tiếp là miền Đông Nam Bộ, là chiến thắng của lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Đông, là sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân trong chiến dịch. Đó cũng là thành quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền. 
Thực tiễn chiến dịch cho thấy, Trung ương hết sức coi trọng và phát huy vai trò của tập thể, các lãnh đạo trực tiếp trên chiến trường; lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường hết sức tuân thủ ý đồ chiến lược và sự chỉ đạo của Trung ương. Sự kết hợp này đã trở thành truyền thống và kinh nghiệm quý giá cho toàn Đảng và toàn dân ta trước kia cũng như hiện nay.
Ủy  viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vũ Tiến Điền phát biểu tại hội thảo
“Đã 50 năm sau chiến thắng Phước Long, cả nước và Bình Phước hôm nay đã bước sang một trang mới của lịch sử. Thiết nghĩ bài học về xây dựng và sử dụng đòn trinh sát chiến lược không chỉ có giá trị trong lĩnh vực quân sự, trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà còn hết sức ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo khẳng định.
Giá trị chiến lược của trận thắng Phước Long
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng cho rằng, giá trị chiến lược của trận thắng Phước Long đã làm cho Mỹ không thể vào lại miền Nam và chấp nhận thực tế chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Chính quyền và quân đội Sài Gòn cho dù còn đầy đủ bộ máy và lực lượng, nhưng không còn khả năng chiếm giữ và cam chịu thất bại hoàn toàn. Ngoài việc phản ánh sự kiện thất thủ ở Phước Long, không ai hay biết gì về một kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam mà Trung ương đang chuẩn bị. 
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng phát biểu tại hội thảo
Cũng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là 1 trong 3 chiến dịch có nhiệm vụ thăm dò chiến lược, trong đó có yêu cầu trinh sát chiến lược, phục vụ trực tiếp cho mở đầu Đại thắng mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long cũng đã kết thúc với việc địch cam chịu thất thủ hoàn toàn tỉnh Phước Long, làm bộc lộ toàn bộ kết quả thất bại trong 6 năm kéo dài chiến tranh (bằng Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ). Chiến thắng Phước Long trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc bằng lối tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch, tạo ra áp lực lớn đối với địch ngay tại sào huyệt của chúng cho đến khi kết thúc chiến tranh.
“Chiến dịch Đường 14 - Phước Long giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam, đưa đến quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng sức mạnh của cả dân tộc một ngày bằng 20 năm. Chính Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư Lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam từng nhận định: Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30-4-1975”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Minh Hồng khẳng định.
Các đại biểu là nhân chứng lịch sử phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, ngoài 33 bài tham luận, còn có nhiều ý kiến, trao đổi của các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, các nhà khoa học, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử nói về ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Phước Long. Các đại biểu đều có chung nhận định chiến thắng Đường 14 - Phước Long nói lên khả năng mới nhất của quân và dân ta, khẳng định ta có đầy đủ tinh thần và lực lượng mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng Phước Long có thể coi là đòn trinh sát chiến lược cực kỳ xuất sắc và thành công, làm thay đổi cục diện trên địa bàn chiến lược quan trọng; làm thay đổi tương quan về thế và lực giữa ta và địch trên chiến trường miền Đông Nam Bộ; làm suy yếu hệ thống phòng ngự của địch trên cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Thực tiễn diễn biến chiến trường cho ta hiểu biết chính xác khả năng của Mỹ và chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn; là nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả: Xuân Túc - Quốc Việt(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây