HOC TAP BAC

Cuộc cách mạng của nhân dân

Thứ tư - 06/11/2024 20:57 350 0
Tháng Mười năm 1917 ở Nga, bằng sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính, lần đầu tiên chính quyền đã thuộc về những người lao động nghèo.
Ðêm 7-11-1917 (25-10 theo lịch Nga cũ), quân khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Ðông ở Petrograd, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. (Ảnh tư liệu)
Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng do "những người nghèo" tiến hành với mục tiêu tự giải phóng mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Thắng lợi và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng lớn tới toàn thế giới và cách mạng Việt Nam.
"Mười ngày rung chuyển thế giới" của những người nghèo
Mười ngày rung chuyển thế giới là bút ký của nhà báo Mỹ đương thời John Reed, xuất bản năm 1919, viết về sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga một cách chân thực và toàn diện, giúp các thế hệ sau hiểu hơn về cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng của đông đảo nhân dân. Công nhân, nông dân và những người lao động Nga đã được giải phóng. Nội dung của những lý tưởng cách mạng, phương thức tiến hành cuộc cách mạng và thắng lợi, sức mạnh tự bảo vệ của quần chúng nhân dân này đều phản ánh ý chí của đông đảo nhân dân Nga lúc đó.
Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công là khởi nguồn sự ra đời một chính quyền của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Chính quyền này khẳng định mạnh mẽ mục tiêu xây dựng xã hội tương lai tốt đẹp, văn minh, mang lại công bằng, hạnh phúc cho mọi người dân lao động.
Ngay trong đêm đầu tiên sau khi cách mạng thắng lợi, chính quyền Xô-viết đã ban hành Sắc luật hòa bình và Sắc luật ruộng đất. Hai sắc luật quan trọng này đã đáp ứng ngay lập tức những nhu cầu cấp bách của xã hội Nga khi đó. Sắc luật hòa bình đáp ứng khát vọng hòa bình của nhân dân Nga, chấm dứt những đau thương của họ vì cuộc chiến tranh chia lại thị trường của các thế lực tư bản lớn.
Sắc luật ruộng đất làm cho mơ ước ngàn đời của người nông dân về ruộng đất trở thành hiện thực. Chính quyền cách mạng còn khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, tách nhà thờ khỏi trường học, khẳng định sự bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.
Ngày 10-1-1918, Ðại hội Xô-viết toàn Nga thông qua Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột, khẳng định: Nước Nga là nước Cộng hòa Xô - viết với mục tiêu là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, vì lợi ích của nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thể hiện đúng là "một cuộc cách mạng của những người nghèo vì những người nghèo" - từ của John Reed. Chính "những người nghèo" đã bảo vệ vững vàng chính quyền Xô-viết của họ qua ba năm nội chiến khốc liệt, trước âm mưu can thiệp và lật đổ, trong vòng vây của 14 nước tư bản đế quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử lớn, tạo nên những sự thay đổi mạnh mẽ trong địa chính trị thế giới nhiều thập niên sau. Với sự giải phóng công nhân, giải phóng những người lao động đang bị áp bức, bóc lột, Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào công nhân ở các nước châu Âu.
Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, một cao trào đấu tranh của "những người nghèo" đã phát triển trong những năm 1918-1923 làm chấn động dữ dội các nước tư bản khi đó. "Những người nghèo" ở Nga cũng đã làm nên sự phát triển vững mạnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết trong những thập niên sau đó. Họ đóng vai trò to lớn cứu nhân loại khỏi họa phát-xít, góp phần quan trọng đưa loài người thoát khỏi ngọn lửa tàn khốc của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Những thành tựu và đóng góp của nhân dân Liên Xô với thế giới trong những thập niên sau Cách mạng Tháng Mười Nga là rất lớn và không thể phủ nhận.
Thực tiễn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 với nội dung giải phóng dân tộc, giải phóng con người sâu sắc đã thức tỉnh và cổ vũ tinh thần đấu tranh của các dân tộc còn đang phải chịu ách áp bức và bóc lột thuộc địa của thực dân dưới mọi hình thức, thôi thúc tất cả những người nghèo khổ đang chịu bất công trên thế giới đứng lên đấu tranh giành quyền độc lập. Trong thế kỷ 20, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa đã trở thành một trào lưu rộng lớn.
"Đem sức ta mà giải phóng cho ta"
Những tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và những luận điểm của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa là yếu tố quan trọng để hình thành đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và Ðảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam Tháng Tám năm 1945.
Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở "chính quốc", nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi chỉ ở một nước thuộc địa. Luận điểm sáng tạo đó gần như tương đồng với luận điểm của V.I.Lênin về chiến thắng của cách mạng tại một nước "là khâu yếu nhất trong chuỗi xích" các nước tư bản.
Với tinh thần Ðem sức ta mà giải phóng cho ta và khẳng định luận điểm "Cách mệnh trước hết phải có Ðảng cách mệnh", "Ðảng có vững cách mệnh mới thành công" (Ðường cách mệnh), Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản chân chính, đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo tuy vắn tắt song đã nêu được những điểm cơ bản, cốt lõi nhất về đường lối của cách mạng Việt Nam. Ðó cũng là tuyên bố lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam của Ðảng từ khi mới ra đời.
Ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức thực dân là nhiệm vụ mang ý nghĩa cấp bách, sống còn. Trong cuộc đấu tranh này, Ðảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới bảo đảm giành được thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng của khối liên minh công-nông và trí thức là lực lượng to lớn, mang sức mạnh vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đại đoàn kết là một chiến lược cách mạng. Trong khối đại đoàn kết rộng rãi và mạnh mẽ đó, số đông là "những người nghèo".
Những lý tưởng đã và đang được khẳng định
Những lý tưởng, những mục tiêu mấu chốt của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam lĩnh hội và vận dụng trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự mở đầu thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc làm sụp đổ của hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn cầu. Những lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được khẳng định trên thực tế ở Việt Nam 79 năm qua và vẫn được tiếp tục thực hiện trong bối cảnh mới. Hai cuộc cách mạng không chỉ được ghi nhận là những bước ngoặt trong lịch sử của hai dân tộc mà còn đánh dấu những quá trình biến chuyển lớn của lịch sử thế giới trong thế kỷ 20.
Những lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vẫn cuốn hút "những người nghèo". Về bản chất, đó là cuộc đấu tranh hướng tới tương lai công bằng, bình đẳng trong những mối quan hệ quốc tế, hướng tới thiết lập trật tự thế giới tốt đẹp hơn, hướng tới tương lai phát triển của cả loài người và mỗi cá nhân, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và hệ thống chính trị.

Tác giả:  NGÔ VƯƠNG ANH (nhandan.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây