HOC TAP BAC

Ý nghĩa lịch sử ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11

Thứ năm - 07/11/2024 02:24 476 0
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tổ chức vào ngày 18/11 hàng năm, là dịp đặc biệt nhằm tôn vinh tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam, đồng thời khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Đây là ngày để mọi người cùng nhìn lại chặng đường đã qua, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách,” tiếp tục gắn kết sức mạnh cộng đồng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày hội Đại đoàn kết không chỉ có ý nghĩa trong việc xây dựng mối liên kết giữa các cá nhân, gia đình, và cộng đồng, mà còn là cơ hội để mọi người cùng chia sẻ, hỗ trợ, đồng cảm và đồng lòng vì mục tiêu chung. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, và các buổi trò chuyện thân mật giữa các thế hệ không chỉ giúp thắt chặt tình cảm giữa mọi người mà còn là dịp để các giá trị văn hóa dân tộc được truyền lại, gìn giữ và phát huy.

Ý nghĩa của ngày hội này nằm ở chỗ nó không chỉ gói gọn trong một ngày lễ kỷ niệm, mà còn nhắc nhở mỗi người dân về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và đất nước. Đoàn kết là yếu tố cốt lõi cho mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, và ngày hội này chính là lời kêu gọi tiếp nối truyền thống đoàn kết ấy để xây dựng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc.
Đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "Đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam.
Đc Lý Trọng Nhân,TUV- Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập tặng quà cho cán bộ và nhân dân thôn 7
Trải qua 94 năm ra đời và phát triển (18/11/1930-18/11/2024), với nhiều tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp Nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
1. Lịch sử ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong quá trình củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, yêu cầu đặt ra là phải có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện được điều đó phải hướng công tác Mặt trận về cơ sở, từng khu dân cư, từng gia đình. Tạo cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết từ cá nhân, gia đình, khu dân cư đến cấp xã, phường, huyện, tỉnh. Đó chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn đó, mà ngày hội đại đoàn kết ở Việt Nam ra đời.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đông đảo cán bộ, nhân dân thôn Đắk Son 2 Xã Phú Văn  dự ngày hội
2. Ý nghĩa của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
Sau khi có quyết định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư ngày càng được quan tâm hơn, diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Ngay cả những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Ngày hội đại đoàn kết đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Từ đó, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”… Cùng với việc xây dựng nếp sống mới là việc đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu: mê tín, dị đoan. Xóa bỏ dần những tệ nạn trong xã hội như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mại dâm, đánh bạc…
Lãnh đạo huyện Bù Gia Mập tặng quà và trao quyết định bàn giao nhà cho hộ nghèo ở Tiểu khu 119, thôn Hai Căn,
xã Phú Nghĩa
Ngày hội đại đoàn kết dân tộc góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Những hoạt động cụ thể của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng Nhân dân được cải thiện, lối sống được lành mạnh hóa. Thông qua ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức giúp đỡ nhau như: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi…
Một số tiết mục văn nghệ do người dân thôn Đắk Son 2 Xã Phú Văn biểu diễn tại ngày hội
Ngày hội đại đoàn kết dân tộc góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Nhân dân ngày càng vững mạnh.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của Nhân dân trong cuộc sống. Từ đó góp phần giúp Đảng ngày càng hoàn thiện hơn nữa phương thức lãnh đạo.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hằng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta là cần phải tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết tại địa phương để từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Đại biểu và Nhân dân thôn 4, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập cùng nhau hòa mình vào những trò chơi dân gian hấp dẫn
 Tiết mục văn nghệ do người dân thôn 7 Xã Bình Thắng biểu diễn tại ngày hội
3.Phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thế nào?
Căn cứ theo Điều 13 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015 quy định phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc như sau:
-Tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
- Đoàn kết, hợp tác với các tổ chức hợp pháp của Nhân dân.
- Phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Kết nạp, phát triển thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thông qua các hoạt động khác liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, toàn thể nhân dân Việt Nam, các dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no, tiếp nối những thành quả mà Đảng, Bác Hồ, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã dày công xây dựng vì một nước Việt Nam phồn thịnh và tươi đẹp./.

Tác giả: ĐQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây