BGM - Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Chính vì vậy, Quy hoạch tỉnh Bình Phước nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có cán bộ, nhân dân thị xã Chơn Thành.
Đòn bẩy phát triển cho địa phương
Với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược (kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính), Quy hoạch tỉnh Bình Phước không chỉ xác định cụ thể mục tiêu, định hướng phát triển chung cho tỉnh, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương cấp huyện, cấp xã.
Sơ đồ quy hoạch 3 vùng phát triển, 3 trục động lực
Bà Đoàn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành nhận định, đối với Chơn Thành, Quy hoạch tỉnh được công bố là cơ sở để thị xã tăng tốc phát triển trong thời gian tới với định hướng phát triển là một đô thị năng động, sinh thái, thông minh. Tổ chức không gian theo vùng phát triển phía Nam bao gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú, Chơn Thành sẽ nằm trong trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh. Đối với Nha Bích có tới 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Quy hoạch tỉnh là điều kiện thuận lợi để xã phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội với những nét đặc trưng độc đáo.
Chủ tịch UBND xã Nha Bích Đoàn Thị Thu Hồng (bên phải)
“Phát triển du lịch với định hướng phát triển về du lịch cộng đồng sinh thái là trọng tâm trong tương lai của xã Nha Bích. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa cùng các lễ hội truyền thống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút nguồn lực đầu tư cũng như khách du lịch trong và ngoài nước, qua đó phát triển mạnh mẽ kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương” - Chủ tịch UBND xã Nha Bích Đoàn Thị Thu Hồng nói.
Tạo hành lang pháp lý quan trọng
Quy hoạch tỉnh với những định hướng và chiến lược bài bản sẽ là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho Bình Phước quy hoạch được các nội dung liên quan đến phạm vi toàn bộ diện tích đất đai của tỉnh. Từ đó thuận lợi hơn trong việc thu hút các nguồn lực từ đầu tư công, doanh nghiệp, nhân dân và nhiều nguồn lực xã hội khác. Khi công bố quy hoạch mới, những vấn đề còn tồn tại trước đây hoặc những quy hoạch manh mún trước đó do yếu tố lịch sử để lại không phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung được xem xét hủy bỏ để thực hiện quy hoạch mới có tầm nhìn dài hạn.
Sơ đồ phương án phát triển khu công nghiệp và cụm công nghiệp tỉnh Bình Phước đến năm 2030
Ông Phạm Đình Tùng, Chủ tịch UBND phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành cho biết: “Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là điều người dân Minh Thành chờ đợi từ lâu. Một khi đã có quy hoạch sẽ đẩy nhanh quá trình xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án đầu tư công, khu công nghiệp trên địa bàn, qua đó tăng tính kết nối Minh Thành, Chơn Thành với các địa phương lân cận. Mặt khác, người dân Minh Thành cũng mong chờ kết quả của quá trình quy hoạch để định hướng được đâu là khu dân cư, đâu là khu sản xuất để yên tâm phát triển kinh tế. Quy hoạch chính là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho người dân tích cực, chủ động trong đầu tư sản xuất - kinh doanh. Người dân cũng được tùy nghi thực hiện các quyền của mình trên cơ sở đất đai đã được Nhà nước giao quyền sử dụng”.
Đc Phạm Đình Tùng, Chủ tịch UBND phường Minh Thành
Phát triển hạ tầng giao thông “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải “đi trước một bước” theo hướng “đồng bộ, hiện đại và hiệu quả”. Trong đó, các tuyến đường đối ngoại, kết nối vùng, kết nối nội tỉnh là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông có nhiệm vụ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, tăng cường kết nối với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ như: Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư; dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); dự án Quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam Bộ; dự án kết nối Bình Phước với Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hạ tầng giao thông khu vực thị xã Chơn Thành ngày càng phát triển
Đc Hồ Chánh Trực, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Chơn Thành
Sinh sống tại Chơn Thành đã gần 50 năm, ông Hồ Chánh Trực, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị xã Chơn Thành phấn khởi cho biết: Khi biết thông tin quy hoạch hạ tầng giao thông có các tuyến đường đi qua địa bàn Chơn Thành, tôi rất vui mừng. Hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, giúp Bình Phước nói chung, Chơn Thành nói riêng hội nhập với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa. Nhân dân chúng tôi đang mong chờ các dự án giao thông trọng điểm sớm được triển khai.
Quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải quốc gia khu vực tỉnh Bình Phước đến năm 2030
Box: Các tuyến đường chiến lược nội tỉnh sẽ tăng cường khả năng kết nối giữa các trung tâm huyện, thị, các khu công nghiệp, hỗ trợ phát triển cho các khu vực trọng điểm của tỉnh Bình Phước, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận cho các khu vực được đánh giá có khả năng tiếp cận kém, giảm áp lực cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được dự báo quá tải trong năm 2030. Các tuyến đường tỉnh sẽ có vai trò chiến lược kết nối đồng bộ với mạng lưới đường bộ quốc gia và mạng lưới đường liên huyện.
Đồng thuận với Quy hoạch tỉnh Bình Phước, bà Nguyễn Thị Bảng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thị xã Chơn Thành chia sẻ: Trong các nội dung quy hoạch, tôi quan tâm nhiều đến quy hoạch hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ giúp việc đi lại của người dân thuận tiện, tăng tính kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tôi mong rằng các chính sách liên quan đến quy hoạch sớm đưa vào thực tiễn để nhân dân có cơ hội bắt kịp được quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển doanh nghiệp.
Đc Nguyễn Thị Bảng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thị xã Chơn Thành
Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế
Điều bà Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành tâm đắc trong Quy hoạch tỉnh là phương án phân vùng và bảo vệ môi trường. Theo đó, phân vùng môi trường gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng hạn chế phát thải; vùng khác. Tương ứng với đó có các phương án định hướng bảo vệ môi trường tại các vùng.
ĐcMạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Chơn Thành
“Tôi cho rằng nên kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Bình Phước phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trọng điểm vào năm 2030 và hiện đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy, việc quy hoạch phải phù hợp với kết cấu hạ tầng, quy hoạch các khu công nghiệp, khai thác được nguồn tài nguyên bản địa phải song song với bảo vệ môi trường. Chính vì thế, tôi mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những quyết sách, chiến lược để hướng tới mục đích làm cho dân giàu, nước mạnh, đảm bảo đời sống an sinh xã hội, phát triển tỉnh nhà cả về chiều rộng và chiều sâu, nhưng không quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái" - bà Mạc Thị Thanh Bình mong muốn.
Sơ đồ hệ thống đô thị tỉnh Bình Phước đến năm 2030
Đồng thuận cao với Quy hoạch tỉnh
Đồng thuận cao với Quy hoạch tỉnh, ông Võ Đình Hảo ở khu phố 4, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành mong muốn sau quy hoạch, tỉnh Bình Phước nói chung, Chơn Thành nói riêng sẽ thay đổi diện mạo mới và phát triển bền vững. Các dự án liên quan đến công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ... sẽ làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn. Qua đó tạo việc làm với nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Định hướng sử dụng đất tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030
Toàn cảnh khu dân cư Đại Nam, thị xã Chơn Thành
Là người dân ở ấp 3, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, ông Thân Quang Sang đặt nhiều kỳ vọng vào quy hoạch tỉnh, nhất là quy hoạch giao thông, xây dựng, khu đô thị, khu dân cư, khu vực sinh thái. “Hiện tại ở địa bàn Nha Bích có quy hoạch du lịch sinh thái cộng đồng, tôi thấy rất hợp lý, nhân dân cũng rất đồng tình. Thực hiện thành công quy hoạch sẽ góp phần phát triển ổn định kinh tế, văn hóa, xã hội của Nha Bích trong tương lai” - ông Sang nói.
Sơ đồ các tuyến đường tỉnh lộ chiến lược
Theo Quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và hoàn
thiện hạ tầng các khu công nghiệp có vị trí và điều kiện thuận lợi tại địa bàn thị xã Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú. Trong ảnh: Khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Chơn Thành
Liên quan đến phương án cấp nước, hiện nay, các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước trong tương lai. Do đó, phương án tổng thể trong quy hoạch là nâng cấp, xây dựng các nhà máy cấp nước có quy mô công suất lớn phục vụ cho một vùng bao gồm cả đô thị, khu vực nông thôn tập trung (vùng đô thị hóa) và khu, cụm công nghiệp. “Tới đây, khi Đề án quy hoạch tỉnh được triển khai, nhân dân ở các khu dân cư đông đúc sẽ được cấp nước tới tận nơi để người dân được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh” - ông Dương Văn Thăng ở ấp 4, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành kỳ vọng.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước đi chiến lược, không chỉ nhằm phát triển bứt phá về kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân mà còn tạo sự chuyển mình mạnh mẽ cho tỉnh. Sự đồng thuận cao của người dân sẽ tạo động lực mạnh mẽ góp phần thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng đến một Bình Phước hiện đại và thịnh vượng trong tương lai.