BGM - Sáng 13-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị sơ kết Đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Phương chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu dự hội nghị
Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, cơ bản các mục tiêu theo Kế hoạch 312 của UBND tỉnh đang được các sở, ngành, địa phương triển khai đúng tiến độ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha sản xuất sạch trên cây điều, hồ tiêu, cây ăn quả và hoa màu, lúa. Trong đó, sản xuất sạch trên cây điều được 6.628 ha, hồ tiêu sạch 2.535 ha, sản xuất sạch trên cây ăn quả 4.500 ha, trên cây rau, lúa đạt 500 ha. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo đạt 291/421 trại nuôi. Tập trung xây dựng vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh tại thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản và duy trì thành công ở 6 vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…
Đại biểu thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm và giải pháp triển khai thực hiện đề án
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công nghệ chế biến nông sản chưa cao, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng chưa cao do việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, đa số các sản phẩm làm ra chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GloBalGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hàng hóa...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Phương phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về giải pháp mở rộng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” ra thị trường nước ngoài; đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản…