HOC TAP BAC

Thúc đẩy người dân tham gia môi trường số

Thứ hai - 23/09/2024 00:49 823 0
BGM - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa quyết định kéo dài thời điểm tắt sóng 2G thêm 1 tháng. Đối với các hộ khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không có điều kiện nâng cấp điện thoại 2G lên 4G, các nhà mạng đang tích cực triển khai chương trình tặng máy điện thoại 4G. Trong đó, nhà mạng Viettel Bình Phước đã trao 4.000 điện thoại 4G đến tay người dân các huyện: Bù Gia Mập, Lộc Ninh và Bù Đốp để không bị gián đoạn liên lạc và giúp người dân kịp thời tiếp cận công cuộc chuyển đổi số (CĐS).
Tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi lên 4G


Dùng điện thoại trắng đen đã nhiều năm, bà Lê Thị Thắm ở thôn Đắk U, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập thấy chiếc điện thoại này thuận lợi khi có thể mang theo đi làm rẫy, ít phải sửa. Khi nhà mạng triển khai tắt sóng 2G, do chưa có điều kiện chuyển đổi, chồng lại đau ốm nằm viện nên bà được nhà mạng Viettel đến nhà tặng máy điện thoại 4G, đồng thời kích hoạt sim để sử dụng ngay. Bà Thắm chia sẻ: “Điện thoại 4G nhỏ gọn lại lâu hết pin và khỏe sóng nên rất thuận tiện với người dân vùng sâu, vùng xa. Những chiếc điện thoại 4G được nhân viên nhà mạng Viettel trao đến từng hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn thời điểm này là việc làm thiết thực, giúp người dân không bị gián đoạn liên lạc”.

Ông Lý Trọng Nhân, Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập cùng lãnh đạo Viettel Bình Phước trao điện thoại 4G cho các hộ dân hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện
Chỉ trong vài ngày, 2.000 chiếc điện thoại 4G được Viettel Bình Phước trao đến tận tay các hộ khó khăn, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Gia Mập. “Để đẩy mạnh CĐS, xây dựng chính quyền số ở xã biên giới có đông đồng bào DTTS, chúng tôi đã vận dụng hiệu quả nội lực từ nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước cùng với ngoại lực hỗ trợ của doanh nghiệp để có thêm nhiều người dân tiếp cận được các thiết bị công nghệ. Từ đó, giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện thủ tục hành chính và nhiều tiện ích số khác” - ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ, cho biết.
Huyện Bù Gia Mập có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, trình độ dân trí còn chênh lệch, mặt khác, hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới này còn hạn chế… Để triển khai tốt các nhiệm vụ CĐS, Bù Gia Mập đã chủ động và nỗ lực thực hiện với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp viễn thông cùng nhân dân toàn huyện.
Ông Trương Công Vũ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Gia Mập cho rằng: Xây dựng chính quyền số đang mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội. Trong đó, đầu tư về hạ tầng viễn thông, trang bị thiết bị công nghệ cho nhân dân là một trong rất nhiều giải pháp để thực hiện thành công chính quyền số. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp viễn thông giúp người dân có công cụ tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính công và thanh toán trực tuyến thuận lợi. Đây là những xu thế bắt buộc, góp phần thúc đẩy công cuộc CĐS của huyện.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thực hiện phương châm “Khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”, Viettel triển khai nhiều chương trình đưa người dân lên môi trường số; tặng điện thoại cho người dân các xã khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 và Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài các đối tượng theo quyết định nêu trên, Viettel Bình Phước còn tặng điện thoại 4G cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, có xác nhận của chính quyền địa phương. Song song đó, Viettel cũng tập trung nguồn lực về nhân sự, máy móc tại các cửa hàng, siêu thị để phục vụ khách hàng chuyển đổi lên máy 4G thuận tiện nhất.

Nhân viên Viettel hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng điện thoại 4G
Ông Vũ Tuấn Dũng, Giám đốc Viettel Bình Phước cho biết: Trong quá trình chuyển đổi, nhà mạng đảm bảo vùng phủ sóng 4G tương đương như sóng 2G, tối ưu mạng lưới. Viettel cũng triển khai mở rộng vùng phủ sóng 4G với hơn 800 trạm phát sóng BTS; đưa vùng phủ 4G đạt 100% và tăng dung lượng mạng lưới. Chúng tôi đang triển khai hạ tầng mạng 5G tại một số địa bàn để người dùng chuyển dịch và trải nghiệm chất lượng sóng tốt nhất. Việc tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đã giúp Viettel giảm tỷ lệ thuê bao 2G từ 11,5% cuối năm 2023 xuống còn 3% (tương đương hơn 2.000 thuê bao) đến ngày 15-9.

Người dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đến làm thủ tục nhận điện thoại
Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông khác trên địa bàn như: VNPT, MobiFone đã có các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, phối hợp với các địa phương từ xã, phường đến từng thôn, ấp, khu phố, các tổ công nghệ số cộng đồng lập các đội lưu động đến từng nhà tuyên truyền, cài đặt, hỗ trợ người dân chuyển đổi sim và đổi máy từ 2G lên 4G. Trong đó, VNPT Bình Phước đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ và triển khai nhiều chương trình nhằm giúp người dân chuyển thuê bao sim 2G sang máy 4G/5G. Trong quá trình chuyển đổi, khi người dân gặp khó khăn, VNPT có những chính sách hỗ trợ như miễn phí thay sim, hỗ trợ máy điện thoại 4G khi khách hàng đăng ký gói cước phù hợp với nhu cầu sử dụng. Việc tặng điện thoại 4G đúng thời điểm sẽ giúp các hộ dân hoàn cảnh khó khăn có điện thoại để thông tin liên lạc thuận tiện hơn; đáp ứng nhu cầu CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tính đến giữa tháng 9-2024, toàn tỉnh chuyển đổi 2G lên 4G đạt 16.587 thuê bao trên tổng 48.655 thuê bao phải thực hiện. Theo đó, tỷ lệ thuê bao chưa chuyển đổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều. Do ảnh hưởng của thiên tai và bão lũ, các doanh nghiệp viễn thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông lùi thời gian tắt sóng 2G thêm 1 tháng để không làm gián đoạn liên lạc. Người dùng các thiết bị 2G sẽ có thêm 1 tháng để nâng cấp, chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên.
 

Tác giả:  Ngân Hà(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây