HOC TAP BAC

Thông điệp giáo dục từ vườn rau

Thứ hai - 25/11/2024 22:27 1.067 0
BGM- Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) hiện có 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh hoạt, học tập tại trường. Nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng sống, những năm gần đây, thầy và trò nhà trường đã cùng nhau xây dựng, phát triển vườn rau thủy canh có diện tích khoảng 1.000m2. Với thông điệp “Chúng ta không mong thu lợi nhuận từ vườn rau, chúng ta mong mỏi giá trị giáo dục từ việc trồng rau”, đến nay hoạt động này đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác dạy và học của trường.
Yêu trường, yêu lớp
Em Lý Thị Kim Phượng, học sinh lớp 8, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập sau một thời gian gắn bó với vườn rau đã có sự thay đổi trong nhận thức và hành động. Kim Phượng cho biết, sự chuyển biến rõ ràng nhất là tại mỗi bữa ăn của trường, món rau luộc hay rau xào hằng ngày đã trở nên “ngon một cách lạ lùng”. Lý giải điều này em Phượng và nhiều bạn bè của mình cho rằng, có lẽ do trong mỗi cọng rau tươi xanh có công sức của mình. Thậm chí giờ đây mỗi lần thấy có bạn bỏ lại rau thừa trên khay cơm, em lại tiếc. 
Kể về cảm xúc này của mình với thầy cô, Phượng và nhiều học sinh của trường được thầy, cô giáo giải thích là do các em đã lớn, biết trân quý công sức lao động của mình và người khác. Kim Phượng hào hứng kể: “Có lần chúng em cùng nhau chăm sóc vườn rau, nhổ cỏ dại và bắt sâu, thầy bảo con sâu nó lỡ ăn chiếc lá rồi, ngắt cái lá ra khỏi vườn rau và cho nó ăn tiếp, biết đâu một mai nó thành bướm, nó bay lượn làm đẹp cho đời. Em cảm thấy vui và cảm ơn thầy cô đã dạy chúng em rất nhiều điều thông qua những hoạt động từ vườn rau. Nhất là cho chúng em biết quy trình để có một vườn rau thủy canh, biết cùng nhau trao đổi, phân công nhiệm vụ cụ thể trong nhóm để cùng làm việc hiệu quả hơn”.
 
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập chăm sóc vườn rau
Không chỉ là công cụ giáo dục, vườn rau của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập còn được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển và trưởng thành của học sinh ở đây. Những mầm xanh được chăm sóc tốt giống như các bạn học sinh của trường, từng ngày trưởng thành dưới sự hướng dẫn và chăm sóc tận tình của thầy cô. Mỗi học sinh là một mầm non, nếu được nuôi dưỡng đúng cách sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội. 
Thầy Lê Văn Công, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập chia sẻ: Trường phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách Đoàn, Đội đến bữa xuống ăn cơm cùng các em. Mục đích là để chỉ bảo các em trong bữa ăn một cách nhẹ nhàng nhất. Mình nhận thấy hôm nào có món ăn được chế biến từ vườn rau, các em rất hào hứng, ăn nhiều hơn. Thỉnh thoảng, mình cũng đến vườn rau vào buổi sáng để thư giãn và ngắm màu xanh mướt của rau trong tiết trời se lạnh. Có một vài học sinh đi ngang bảo “Đẹp quá thầy ơi!” trong lòng mình mừng lắm vì các em đã yêu trường, yêu lớp hơn, thích ở lại trường hơn. Mà khi có một tình yêu chân thành, mình tin các em sẽ có hướng thay đổi tích cực với lớp, với trường. 
Hy vọng vườn rau sẽ là nơi các em học cách yêu thiên nhiên, cây cỏ. Việc chăm sóc cây trồng hằng ngày giúp các em yêu thiên nhiên hơn, biết quý trọng môi trường sống xung quanh.
Thầy LÊ VĂN CÔNG, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập

Giáo dục học sinh phát triển toàn diện
Chia sẻ về ý nghĩa thông điệp “Chúng ta không mong thu lợi nhuận từ vườn rau, chúng ta mong mỏi giá trị giáo dục từ việc trồng rau” trong bối cảnh giáo dục hiện nay, thầy Nguyễn Thế Hùng, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập cho rằng, từ “giáo dục” của thông điệp mang ý nghĩa rộng hơn. Với Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập, giáo dục không chỉ là trao truyền kiến thức các môn học có trong sách giáo khoa, mà là quá trình dạy dỗ và nuôi dưỡng con người, giúp học sinh phát triển đầy đủ các khía cạnh và chuẩn bị tốt cho cuộc sống trong tương lai. Ở trường, thầy cô vừa dạy kiến thức vừa dạy các em bổn phận của một người con, người anh, người chị, người em trong gia đình, người công dân có đạo đức của xã hội. Nội dung này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.    
 
Không chỉ taọ “mảng xanh” cho không gian, vườn rau của thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập còn là nơi giáo dục học sinh phát triển toàn diện
Thầy Hùng dẫn chứng: “Bình thường chúng ta nghĩ trồng rau để có nhiều rau sử dụng cho bữa ăn. Nhưng điều nhà trường mong muốn hơn là có thể thông qua hoạt động này để dạy học sinh tính kiên trì, nhẫn nại trong lao động, tôn trọng người nông dân, tôn trọng thành quả lao động của người khác và tình yêu thiên nhiên, cây cỏ… Vì thế, không chỉ là trồng rau, trong mỗi hoạt động của trường, việc giáo dục cho học sinh một điều gì sau đó mới là chính”.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập hiện có 446 học sinh, 90% trong số này là học sinh dân tộc thiểu số. Học sinh của trường phải ở nội trú tại trường, xa gia đình. Vì thế, ngoài thời gian học tập, các bạn còn tham gia trồng rau như một hoạt động phụ giúp ba mẹ công việc nhỏ trong gia đình. Qua việc trồng rau, thầy, cô giáo phụ trách có cơ hội được chỉ bảo học sinh nhiều hơn. Đồng thời, học sinh dần hiểu được quy trình vận hành một vườn rau thủy canh gồm những công đoạn gì, từ chuẩn bị dung dịch dinh dưỡng, gieo hạt, ươm cây, kiểm tra hệ thống thủy canh, theo dõi cây trồng và thu hoạch. Công việc chăm rau cũng giúp các em hiểu được, bất kỳ việc gì cũng cần có sự chuẩn bị, theo từng giai đoạn và sự phối hợp lẫn nhau. Từ đó, khi được phân công theo lớp, học theo nhóm, các em sẽ biết tự sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện, từ đó dần hình thành kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, quan sát và phân tích lẫn kỹ năng thực hành và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. 
Chia sẻ về những thách thức của hoạt động này, thầy Hùng cho biết: “Khó khăn lớn là làm sao mỗi hoạt động trong nhà trường mang lại thật nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh. Để vượt qua khó khăn đó thì mỗi hành động, cử chỉ, lời nói, việc làm của thầy cô, kể cả cô nhân viên cấp dưỡng, chú bảo vệ trong trường đều phải là một hành động có mục đích giáo dục”.
Kể từ khi được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, mô hình trồng rau của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, nhất là của gia đình học sinh. Sự quan tâm này giúp trường kết nối với phụ huynh dễ dàng hơn. Ở nhà, phụ huynh cũng có thể thấy được hình ảnh của con em mình trong các hoạt động của trường, từ đó hiểu thêm về mục tiêu giáo dục của trường và hơn hết là đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục con em mình.
 

Tác giả:  Phương Dung(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây