HOC TAP BAC

Cẩn trọng trước các “chiêu trò” trong công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện Bù Gia Mập

Thứ ba - 15/04/2025 05:29 365 0
Là huyện biên giới, địa bàn rộng, dân cư đa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, Bù Gia Mập luôn là nơi mà các thế lực thù địch muốn lợi dụng để thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, các luận điệu sai trái đã từng bước bị vạch trần, vô hiệu hóa. Sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo của huyện Bù Gia Mập hôm nay là nỗ lực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.

Huyện Bù Gia Mập có dân số hơn 88.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 34%, chủ yếu là S’Tiêng, M’nông, Khmer ... Huyện có nhiều tôn giáo đang hoạt động: Phật giáo, Tin Lành, Công giáo... Trong đó Tin Lành có sự phát triển sâu rộng trong đồng bào DTTS. Nhiều hộ đạo sinh hoạt tại nhà riêng, nhóm nhỏ, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết, thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; kích động tư tưởng ly khai dân tộc, tự trị, tự do tôn giáo cực đoan... thông qua mạng xã hội, các hội nhóm trá hình và hoạt động truyền đạo trái pháp luật, một số đối tượng giả danh “người hoạt động tôn giáo”, “người bảo vệ nhân quyền” lợi dụng những vướng mắc trong chính sách đất đai, đền bù, hoặc các tranh chấp nhỏ giữa người dân với chính quyền để thổi phồng, kích động khiếu kiện, tụ tập đông người.

Các đối tượng sử dụng Facebook, YouTube, Zalo... để truyền bá thông tin sai lệch, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, xuyên tạc tình hình dân tộc – tôn giáo ở Bù Gia Mập. Một số đối tượng còn gửi tin nhắn rác, phát tán tài liệu, video có nội dung phản động đến người dân vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, các thế lực thù địch thành lập các tổ chức tôn giáo “chui”, truyền đạo trái phép trong cộng đồng người DTTS, đặc biệt là Tin Lành ở các xã Đăk Ơ, Phú Nghĩa. Một số điểm nhóm từng bị phát hiện tổ chức sinh hoạt không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu móc nối với các tổ chức phản động nước ngoài. Từ năm 2009 đến nay, đã phát hiện, xử lý trên 60 vụ việc liên quan đến truyền đạo trái phép.
Lãnh đạo Huyện ủy và Đoàn KT-QP 778 gặp mặt các chức sắc, chức việc tôn giáo năm 2023
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các “chiêu trò” về vấn đề dân tộc, tôn giáo, trong thời gian qua Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Dân Vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai hơn 300 buổi tuyên truyền tại cơ sở, tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 đã thực hiện gần 100 lượt tuyên truyền chuyên đề, kết hợp văn nghệ, tiểu phẩm, trình chiếu video tại các thôn sóc để đưa chủ trương của Đảng đến gần hơn với người dân. Qua đó, các thông tin chính thống được phổ biến rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, giúp họ cảnh giác, không nghe theo luận điệu xuyên tạc.
Già làng Điểu Nơn (xã Phú Nghĩa) chia sẻ: “Chính sách của Đảng tốt thì mình phải vận động bà con nghe theo, không để người lạ dụ dỗ chia rẽ.” Những người như già Nơn đã nhiều lần cùng chính quyền đi đến các hộ có biểu hiện lệch lạc để vận động, giải thích.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của huyện phối hợp với lực lượng chuyên trách tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Công an chính quy xã và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội thường xuyên tổ chức rà soát, xác minh, xử lý các tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin sai trái, xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo. Một số fanpage, nhóm kín có dấu hiệu tuyên truyền chống phá đã bị vô hiệu hóa, ngăn chặn kịp thời.

Nhiều mô hình tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được nhân rộng như “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật”, “Thôn, sóc bình yên”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư 3 không”... Các tấm gương tiêu biểu như ông Điểu Sôn, bà Điểu B’Lế (xã Phú Văn) tích cực giữ gìn an ninh địa phương, vận động con cháu sống tốt đời đẹp đạo, đã góp phần lan tỏa niềm tin vào Đảng, chính quyền trong cộng đồng.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng; nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn mới.
Minh Hương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
  2. Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII
  3. Văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương
  4. Các báo cáo chuyên đề, hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
  5. Tổng kết công tác dân tộc, tôn giáo huyện Bù Gia Mập giai đoạn 2009–2024
  6. Số liệu thống kê UBND huyện Bù Gia Mập
  7. Các văn bản của Bộ Công an, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo liên quan đến công tác phòng, chống lợi dụng tôn giáo, dân tộc
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây