HOC TAP BAC

Giá trị thiêng liêng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ

Thứ ba - 07/05/2024 21:49 1.050 0
 Cách đây 70 năm, ngày 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri, khẳng định sự toàn thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa rừng, cơm vắt”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và anh dũng của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ được đánh giá “như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”.


Ký ức khó phai
“Đôi mắt nay đã mờ đục. Mắt trái do di chứng của mẻ đạn không còn nhìn rõ. Phần môi trên còn nguyên mẻ đạn bên trong và cánh tay trái từng phải phẫu thuật gắp nhiều mảnh đạn nhỏ ra. Mỗi lúc trái gió trở trời, các vết thương trên người đồng loạt nhức mỏi. Nhưng mình chỉ bị thương thôi là còn may mắn, chứ nhiều đồng chí, đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không được may mắn trở về…” - ông Lê Ích Khu ở xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập bồi hồi xúc động kể lại chứng tích một thời làm đội trưởng đội dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên bàn trà đơn sơ, ông Khu kể, khi ấy ông mới 16 tuổi đã nghĩ rằng là con trai không thi cử, không đi lính thì cuộc sống không có ý nghĩa. Do đó, ông đã thuyết phục bố mẹ để được vào đội dân công hỏa tuyến của tỉnh Thanh Hóa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi được tuyển chọn, ông Khu cùng đoàn dân công hỏa tuyến xẻ núi, băng rừng, trèo đèo, lội suối thồ chở lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược.

Ông Lê Ích Khu (bên phải) chia sẻ với cựu chiến binh xã Ða Kia, huyện Bù Gia Mập về một thời tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954

Trong hành trình ra mặt trận ông gặp nhiều khó khăn, vất vả, ban ngày tránh đạn, ban đêm lại mò mẫm đi. Theo ông Khu, máy bay địch chủ yếu xả đạn xuống các tuyến đường bộ vào ban ngày nên hầu hết đội quân xe thồ, vận tải, gánh vác đều đi đường khe, suối và di chuyển vào ban đêm. Dù gian khổ nhưng đoàn quân xe thồ luôn bảo đảm an toàn lương thực, thực phẩm vận chuyển ra tiền tuyến. “Qua các trạm, đến khu vực suối Rút trở nên rất nguy hiểm, vậy mà dân công gánh bộ, xe thồ nườm nượp đi như trẩy hội, đông vui lắm. Hiến dâng công sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và các anh chị dân công hỏa tuyến nói riêng và toàn lực lượng bấy giờ không hề nao núng, không sợ máy bay, bom đạn địch, ngày đêm bám sát bộ đội, bám sát trận địa, bám sát nhân dân. Chúng tôi chỉ mong đưa được thật nhiều lương thực, thực phẩm vào trận địa để bộ đội ăn no, thắng lớn” - ông Khu chia sẻ.

Trong mưa bom, bão đạn cùng những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, hàng ngàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vẫn sáng tạo ra nhiều phương thức độc đáo để xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn, các vật cản trên đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương. Lực lượng vận tải thô sơ đã tự cải tiến xe đạp thồ, đưa mức vận chuyển của mỗi chuyến xe từ 100kg lên 200 đến 300kg. Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới mưa bom, bão đạn của địch, từng đoàn dân công hỏa tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm kilômét đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.

Ông Lê Ích Khu cho biết, cánh tay trái của ông từng được phẫu thuật để gắp lấy nhiều mảnh đạn khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ban đầu ta huy động hơn 20 vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong với hơn 10 triệu ngày công phục vụ. Đến tháng 4, tháng 5-1954, những con số đó tiếp tục tăng lên rất nhiều. Cống hiến của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong không chỉ ở số lượng (chiếm hơn 30% số quân tham gia trên toàn chiến dịch), ở hiệu quả sản xuất phục vụ chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu, mà còn ở công sức của họ làm nên những con đường vận tải chiến lược, như: Đường 42 Tuần Giáo - Điện Biên (nay là quốc lộ 279), đường Hữu nghị 12 Điện Biên - thị xã Lai Châu (nay là quốc lộ 12), đường 41 Hà Nội - thị xã Lai Châu (nay là quốc lộ 6), đường thị xã Lai Châu - Chăn Nưa, đường Chăn Nưa - Sìn Hồ… vận chuyển hàng chục ngàn tấn vật chất từ hậu phương ra tiền tuyến.

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ông Lê Ích Khu nói riêng và toàn lực lượng dân công hỏa tuyến nói chung đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để vận chuyển lương thực, thực phẩm… phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tuổi trẻ hướng về Ðiện Biên Phủ lịch sử

Sau khi được triển khai thực hiện chương trình Hành trình Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông, anh Nguyễn Đức Quang Trung, cán bộ Tỉnh đoàn Bình Phước đã lập tức thay đổi avatar trên trang facebook cá nhân để hưởng ứng. Với anh Trung, đó không đơn giản chỉ là thay ảnh trong khung nền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mà nhắc nhớ bản thân không quên lịch sử dân tộc, những hy sinh của lớp lớp cha ông đã ngã xuống để có độc lập hôm nay. Từ đó, ra sức phấn đấu, rèn luyện, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước.

Ðoàn đại biểu thanh niên tỉnh Bình Phước tham gia Hành trình Ðiện Biên Phủ - Khát vọng non sông nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ do Trung ương Ðoàn tổ chức

Hiện nay, hầu hết tài khoản facebook của cán bộ, đoàn viên thanh niên ở các huyện, thị, thành đoàn trong tỉnh đã thay đổi avatar để cùng hướng về non sông. Bên cạnh đó, các bạn trẻ thi đua xây dựng capcut với những video, hình ảnh sống động liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó còn là những bài tuyên truyền thiết thực ý nghĩa của đội ngũ cán bộ đoàn trên các fanpage, trang web của tuổi trẻ… Bằng nhiều hoạt động thiết thực, tuổi trẻ Bình Phước đã hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước và hứa quyết tâm góp sức xây dựng đời sống mới trong môi trường hòa bình, độc lập hiện nay. Anh Phạm Thụy Bảo Long, cán bộ Ban Tuyên giáo - Thanh thiếu nhi trường học, Tỉnh đoàn chia sẻ: Tuổi trẻ Bình Phước có nhiều hoạt động tuyên truyền chiến dịch Điện Biên Phủ trên các kênh thông tin đến đoàn viên thanh niên, học sinh trong tỉnh. Qua đây, chúng tôi muốn lan tỏa hình ảnh đẹp, giá trị lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, lan tỏa tinh thần yêu nước, thúc đẩy tinh thần xung kích tình nguyện của lực lượng trẻ góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
 
Từ tháng 3, tuổi trẻ Bình Phước đã khởi động nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ như Hành trình Ðiện Biên Phủ - Khát vọng non sông; phối hợp thực hiện các hoạt động tri ân chiến sĩ Ðiện Biên; trong hoạt động đội, phong trào thiếu nhi cũng đã bầu chọn những gương điển hình ra Ðiện Biên tham gia Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Ðiện Biên. Cùng với đó, nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Bình Phước được tiếp tục phát động hướng về các sự kiện lịch sử của đất nước.
Chị Lê Thị Hồng Phấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước

“9 năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”. Lớp lớp thế hệ hôm nay luôn trân trọng, gìn giữ và bảo vệ thành quả cách mạng của cha ông, các anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc. Kết tinh sức mạnh trí tuệ, sức mạnh dân tộc không chỉ được phát huy trong mưa bom, bão đạn mà được tiếp thu vận dụng hiệu quả trong công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước hiện nay.

Một số hình ảnh tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm  chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024)






 

Tác giả: Cẩm Liên - Báo Bình Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây