HOC TAP BAC

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập: Lá phổi xanh Đông Nam Bộ

Thứ năm - 14/03/2024 23:47 1.529 0
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (gọi tắt là Vườn) sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hoang dã, đây là nơi bảo tồn của hàng trăm nghìn loài động, thực vật khác nhau. Những bước chuyển mình của lá phổi xanh Bù Gia Mập đã góp phần thay màu áo mới tại tỉnh Bình Phước.
 Toàn cảnh Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tại tỉnh Bình Phước (Nguồn: Vườn Quốc gia Bù Gia Mập)
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với hệ thống động, thực vật phong phú
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là một điểm tham quan nổi tiếng nằm trên địa bàn xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tại vị trí cực Bắc của tỉnh Bình Phước, có diện tích vùng lõi là 25.593,79 ha chia làm 03 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích là 15.022,8 ha, phân khu phục hồi sinh thái diện tích là 8.275,24 ha và phân khu dịch vụ hành chính diện tích là 2.295,75 ha. Diện tích vùng đệm của Vườn là 18.036 ha trong đó phần vùng đệm thuộc tỉnh Bình Phước là 10.036 ha và phần vùng đệm thuộc tỉnh Đăk Nông là 8.000 ha. Vào ngày 27 tháng 11 năm 2002, điểm tham quan này được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập thành vườn quốc gia. Hiện nay, khu vực này là nơi bảo tồn các nguồn sinh quyển ở miền Đông Nam Bộ.
VQG Bù Gia Mập - lá phổi xanh đa dạng hệ sinh thái tại tỉnh Bình Phước,
hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng (Nguồn ảnh: Internet)
Hệ sinh thái rừng của Vườn có giá trị đa dạng sinh học rất cao, có nhiều loài động vật, thực vật và thảo dược quý hiếm. Theo ghi nhận giám sát đa dạng sinh học hệ sinh thái Vườn có 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi, 126 họ, 62 bộ, 5 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có nhiều loài được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam như Gõ đỏ, Giáng hương quả to, Trầm hương, Cẩm lai vú, Sao đen…bên cạnh đó còn có rất nhiều cây dược liệu quý như An xoa, Kim tiền thảo, Nhân trần, Bí kỳ nam…hệ động vật được ghi nhận tại Vườn có 832 loài thuộc 173 họ của 47 bộ, 6 lớp. Trong đó có 124 loài nguy cấp quý hiếm được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam như Chà vá chân đen, Vượn đen má vàng, Cu li nhỏ, Voi Châu Á, Tê tê, Gấu chó, Báo hoa mai, Bò tót …

Ngoài ra hệ sinh thái Vườn có sự đa dạng về các loài nấm có ích và  một số loài sinh vật khác chưa được nghiên cứu thống kê cụ thể. Quản lý hệ sinh thái rừng đa dạng phong phú, bảo tồn nguyên vẹn sự đa dạng của hệ động thực vật là nhiệm vụ hàng đầu của Vườn.

Công tác quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Trong công tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng của Phòng trong năm 2023 đã đạt được nhiều thành công: công tác thu mẫu cá và làm bảng mã QR Code đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cũng chú trọng sâu sắc trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh tại nơi đây.
 
 

Vẻ đẹp hoang sơ của rừng

Theo thông tin của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, công tác hợp tác trong nước và quốc tế có một số khởi sắc trong năm vừa qua. Nổi bật trong năm 2023, các kết quả đạt được trong công tác hợp tác đã có những tiến bộ, phối hợp tốt với các chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu tại Vườn.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng, hàng đầu tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với Viện Động vật Saint Petersburg (Liên Bang Nga) về nghiên cứu bảo tồn Bò sát, Ếch nhái, từ ngày 29/11/2023 – 10/12/2023 Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đã phối hợp cùng các nhà khoa học thuộc 02 tổ chức trên triển khai nghiên cứu thành phần Bò sát – Ếch nhái tại VQG Bù Gia Mập. Kết quả nghiên cứu, đã phát hiện nhiều loài Bò sát - Ếch nhái quý, hiếm và mang giá trị khoa học bảo tồn, giá trị nghiên cứu ứng dụng phát triển kinh tế xã hội… trong lâm phần VQG Bù Gia Mập.

Tiềm năng du lịch vô tận…
Thời gian qua, Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, qua đó thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt công tác bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và thiên nhiên đa dạng sinh học trên địa bàn.

Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Trong những năm gần đây, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã dần hình thành nhiều loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng. Du lịch từ rừng từng bước thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm thiên nhiên hoang dã. Từ đó, góp phần tạo nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và hơn hết là góp phần giáo dục môi trường, khơi dậy cộng đồng yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên.
Đặc biệt, vào ngày 31/3/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1030/UBND-NC về việc thuận chủ trương cho BQL VQG Bù Gia Mập tiếp người nước ngoài đến thăm quan, du lịch. Theo đó, khu du lịch sinh thái cấp tỉnh VQG Bù Gia Mập được đón khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan, trải nghiệm và hòa mình cùng thiên nhiên hoang dã; đồng thời phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật. Đây được xem là sự bứt phá mới cho sự phát triển du lịch nơi đây.

Vai trò của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập trong công tác bảo vệ rừng
Để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng Vườn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR hàng năm, bám sát điều kiện thực tế theo mùa, theo tình hình tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR một cách kịp thời và hiệu quả.

Chia sẻ thông tin với lãnh đạo Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, kiểm lâm Dương Quang Hùng cho biết: “Để có những cánh rừng thì phải co những người bảo vệ rừng ở tận gốc thì mới có thể bảo vệ được, gần 20 năm công tác ở đây, tôi đã quen với khí hậu và môi trường và cũng có kinh nghiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nắm bắt hành vi, tâm lí các đối tượng khai thác, săn bắt trái phép như thế nào để kịp thời ngăn chặn. Đồng thời chỉ dẫn cho anh em mới vào nghề các đặc điểm, đặc thù của công việc, muốn cho anh em cố gắng tiếp bước thế hệ mình đi trước, cố gắng bảo vệ những cánh rừng. Hàng năm có những lượng khách du lịch về họ nhìn thấy được những cánh rừng nguyên sinh như thế này, cảm thấy hạnh phúc khi bản thân mình có góp công sức trong việc giữ những đám rừng. Phải có những người bảo vệ rừng mới có những cánh rừng nguyên sinh như thế này…”.
Nhà báo Chu Loan – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng
tặng Tạp chí cho Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Bên cạnh đó, Vườn luôn phối hợp với các đơn vị chính quyền địa phương các xã vùng đệm thuộc huyện Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước và huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông, các đồn Biên phòng, lực lượng Công an đóng chân trên địa bàn xã Đăk Ơ, xã Bù Gia Mập và xã Quảng Trực huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông để xây dựng Kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đóng chân trên địa bàn quản lý thông tin đối tượng xâm nhập rừng, quản lý bảo vệ rừng và phối hợp xử lý khi có hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng xảy ra.

Ngoài chức năng chính là bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng bền vững trong vùng lõi. Vườn còn đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp các xã vùng đệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đồng thời bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa lồng ghép vào chương trình du lịch sinh thái góp phần phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội tại địa phương.
 

Tác giả: Ivy Tran

Nguồn tin: suckhoecongdongonline.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây