Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?
Thứ ba - 19/03/2024 00:018560
Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".
Tập thể lãnh đạo Hoạt động lãnh đạo ở bất cứ cấp độ nào cũng đều diễn ra trong mối quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo và nhóm đối tượng được lãnh đạo, tức là những người ủng hộ. Trong lịch sử nhân loại, chủ thể lãnh đạo thường là những cá nhân ưu trội, có khả năng truyền cảm hứng, quy tụ nhân tâm và sự ủng hộ, gây ảnh hưởng đến người khác để cùng hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo. Một đặc trưng căn bản của cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay là Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng chính trị duy nhất, đảm nhiệm cả hai vai trò: lãnh đạo và cầm quyền. Theo quy định tại Điều 9, Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội XI, một nguyên lý then chốt của mô hình lãnh đạo chính trị ở nước ta là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo đó, chủ thể của mọi hoạt động lãnh đạo trong hệ thống chính trị là một tập thể, thường gọi là “Ban lãnh đạo”. Cụ thể hơn, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội Đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ). Gắn với hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước thì chủ thể lãnh đạo được tổ chức dưới các hình thức “Đảng đoàn” hoặc “Ban cán sự Đảng”.
Các Đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội XIII. Ảnh: TTXVN Hoạt động lãnh đạo không thể tách rời vai trò của cá nhân, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Vì thế, cùng với nguyên lý “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, các nguyên tắc như “thiểu số phục tùng đa số”, “cá nhân phục tùng tổ chức” cũng chỉ ra rằng người đứng đầu các Ban lãnh đạo chỉ đảm nhiệm vai trò phụ trách và phải luôn ý thức rằng mỗi thành viên Ban lãnh đạo chỉ là một cấu phần tạo nên chủ thể “tập thể lãnh đạo”, chứ bản thân họ không được đứng trên tập thể, và cũng không thể hành động trong tư cách của một chủ thể lãnh đạo độc lập. Lãnh đạo tập thể Trong đời sống hàng ngày cũng như trong nền chính trị ở nhiều quốc gia, rất phổ biến một thực tế là hoạt động lãnh đạo cũng như các quyết định lãnh đạo phụ thuộc rất rõ vào ý chí của cá nhân nhà lãnh đạo. Trái lại, ở nước ta hiện nay, nguyên tắc “lãnh đạo tập thể” khẳng định đặc trưng, tính chất tập thể của mọi hoạt động lãnh đạo. Có nghĩa là, các tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch, hay quyết định lãnh đạo đều là sản phẩm từ trí tuệ và sự đồng thuận của các thành viên Ban lãnh đạo, chứ không phải ý chí của cá nhân hay nhóm nào đó. Để bảo đảm tính chất tập thể của hoạt động lãnh đạo thì thành viên các Ban lãnh đạo, được phân công vào các vị trí, cùng vai trò khác nhau, phải tuân thủ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Trước mỗi tình huống lãnh đạo, mỗi thành viên của tập thể lãnh đạo đều được quyền nêu ý kiến, thảo luận, và có vai trò ra quyết định ngang nhau, thông qua hình thức bỏ phiếu hoặc biểu quyết công khai. Quyết định lãnh đạo sẽ chỉ được thông qua khi đạt trên 50% số phiếu tán thành, và đảng viên cũng như tổ chức Đảng phải chấp hành nghiêm túc. Ưu điểm dễ thấy của yêu cầu về tính chất tập thể của hoạt động lãnh đạo là sẽ phát huy tối đa trí tuệ của mỗi thành viên Ban lãnh đạo, giúp cho các lựa chọn lãnh đạo được xem xét và cân nhắc thận trọng, thấu đáo từ nhiều chiều cạnh, nhờ đó gia tăng chất lượng và khả năng thành công cho các quyết định lãnh đạo. Cũng có nghĩa, nếu nguyên tắc “lãnh đạo tập thể” được thực hiện nghiêm túc sẽ giảm thiểu nguy cơ chuyên quyền vị kỷ của cá nhân hoặc nhóm trong mỗi Ban lãnh đạo. Thách thức với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể” là tình trạng không có chính kiến, lựa ý người đứng đầu để nêu ý kiến và thông qua quyết định của các thành viên Ban lãnh đạo. Cùng với đó là nguy cơ người đứng đầu lấn át tập thể, tổ chức thảo luận để lợi dụng nguyên tắc số đông, qua đó áp đặt ý chí của cá nhân lên quyết định của tập thể. Hệ quả thường thấy là những quyết định lãnh đạo “đúng quy trình” nhưng kém chất lượng và không phù hợp, thậm chí sai phạm và gây hậu quả nghiêm trọng. Lãnh tụ tập thể Trong lịch sử nhân loại, ý niệm về “lãnh tụ” thường gắn với cá nhân. Đó là những nhà lãnh đạo có uy tín và ảnh hưởng vượt trội nhất, cùng khả năng quy tụ được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội. Nhờ đó, các lãnh tụ có được vị thế và vai trò nổi bật nhất trong những nỗ lực mang tính tập thể nhằm thực hiện sự thay đổi sâu rộng trên quy mô cộng đồng xã hội. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình về “lãnh tụ”, được tuyệt đại đa số người dân thừa nhận. So với “tập thể lãnh đạo” và “lãnh đạo tập thể”, cụm từ “lãnh tụ tập thể” được sử dụng ít hơn trong các văn kiện chính trị ở nước ta. Có lẽ, nguyên nhân căn bản là bởi ý niệm về “lãnh tụ tập thể” còn khá lạ lẫm với nhiều người. Cùng với đó, trên thực tế thì thực hiện thành công yêu cầu “lãnh tụ tập thể” là một việc vô cùng khó khăn. Cụm từ “lãnh tụ tập thể” trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Tiểu ban nhân sự đại hội XIV có thể được hiểu với hai hàm ý. Thứ nhất, đó là kỳ vọng và cũng là yêu cầu về sự đoàn kết, nhất trí của các tập thể Ban lãnh đạo. Thành viên Ban lãnh đạo phải “kết tụ” thành một khối, nhiều người như một, “đoàn kết, thống nhất cao” cả về “ý chí và hành động”. Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh rằng: sự đoàn kết là một trong những điều kiện tiên quyết để có được thành công lãnh đạo. Hàm ý thứ hai của cụm từ “lãnh tụ tập thể” là những kỳ vọng về khả năng quy tụ sự ủng hộ rộng rãi từ các lực lượng trong xã hội. Các Ban lãnh đạo phải có thể đề ra những chủ trương, đường lối lãnh đạo thu hút được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trên quy mô quốc gia, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ban Chấp hành Trung ương, phải là “hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc”. Để xây dựng được những Ban lãnh đạo trở thành những “lãnh tụ tập thể”, Tổng Bí thư nêu ra những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chí đối với việc phát hiện và tuyển chọn nhân sự lãnh đạo tại Đại hội XIV. Bên cạnh những tiêu chí về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, và bản lĩnh cá nhân, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu về đạo đức: cán bộ lãnh đạo phải “vừa có Đức, vừa có Tài”, trong đó “Đức là gốc”. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến khả năng đoàn kết, quy tụ sự ủng hộ của các “lãnh tụ tập thể” trong tương lai, Tổng Bí thư cũng nêu ra 06 nhóm khuyết điểm mà nếu cán bộ có biểu hiện vi phạm thì dứt khoát không giới thiệu vào Ban chấp hành Trung ương. Bởi lẽ, theo Tổng Bí thư, để những người không đáp ứng yêu cầu “lọt được vào cương vị lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”. Có thể thấy, ba cụm từ “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể” đã khắc họa những đặc trưng then chốt của mô hình lãnh đạo chính trị ở nước ta hiện nay – đó là tính chất tập thể của hoạt động lãnh đạo. Đặc trưng này thể hiện qua chủ thể lãnh đạo là một tập thể, quyết định lãnh đạo là kết quả của sự đồng thuận và ý chí tập thể, và các Ban lãnh đạo phải đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, và có khả năng quy tụ sự ủng hộ dưới hình thức một tập thể.
Tác giả: Nguồn: vietnamnet.vn.(TS Nguyễn Văn Đáng)