Bù Gia Mập ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề trên địa bàn huyện năm 2024
Thứ hai - 01/04/2024 05:178280
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Tạo việc làm ổn định, bền vững, có chất lượng, giúp cho người lao động có thu nhập đảm bảo cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện, UBND huyện Bù Gia Mập đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024.
Chỉ tiêu được huyện đặt ra là phấn đấu năm 2024, giải quyết việc làm mới cho 2.600 lao động (trong đó đưa ít nhất 10 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng). Đào tạo nghề cho 465 lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đạt 51%. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt được huyện đặt ra để cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở triển khai thực hiện đó là: Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đưa nội dung công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động (ưu tiên hỗ trợ thực hiện cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số, tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong phạt tù, thanh niên xuất ngũ, người lao động bị thu hồi đất sản xuất..); Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng các chuyên mục, thông tin đại chúng, pano, áp phích, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm. Tuyên truyền để người lao động tìm được việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp. Bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý về kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động đi làm việc trong nước và ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên cấp cơ sở. Tổ chức cuộc điều tra thu thập thông tin thị trường lao động tại các xã. Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát về giải quyết việc làm, đào tạo nghề, người lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn huyện và phối hợp đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thường xuyên theo dõi và nắm bắt tình hình lao động - việc làm của thanh niên nông thôn, nhất là lao động thanh niên thiếu hoặc mất việc làm, các đối tượng sau cai nghiện để có biện pháp giải quyết kịp thời. Tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn đặc biệt là lao động yếu thế, lao động thuộc diện chính sách xã hội tham gia học nghề đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, những năm gần đây, công tác đào tạo nghề của huyện tập trung vào việc mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn các ngành nghề nông nghiệp chủ yếu là trồng và khai thác mủ cao su. Năm 2024, huyện xác định, việc triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn phải được lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, gắn kết với việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương; thu hút, chuyển đổi cơ cấu bảo đảm cho người lao động tìm được việc làm ổn định trong và ngoài huyện, nâng cao thu nhập./.